Welcome
Công nghiệp chế biến nông sản và nông nghiệp: Còn khập khiễng
Gắn công nghiệp với nông nghiệp là đường lối phát triển xuyên suốt của nước ta từ nhiều thập kỷ nay, được xem là “nhiệm vụ hàng đầu” trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội nhiều thời kỳ. Thế nhưng, sự phát triển của hai lĩnh vực kinh tế này trên thực tế lại ở hai thái cực đối lập rất rõ nét: hoặc là công nghiệp chế biến nông sản đã thụt lùi quá xa so với nông nghiệp, hoặc là nông nghiệp không theo kịp công nghiệp

Công nghiệp chế biến thụt lùi so với nông nghiệp

Ở thái cực thứ nhất, cho dù vẫn còn rất xa mới được như mong muốn, nhưng nền nông nghiệp hàng hóa lớn phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái của nước ta đã và đang hình thành, còn công nghiệp chế biến nông sản tuy cũng phát triển, nhưng cái mà chúng ta làm được hầu hết mới chỉ ở khâu sơ chế.

Bằng chứng rõ ràng nhất chính là tình trạng xuất khẩu nông sản thô vẫn còn rất phổ biến. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ trọng này hiện vẫn còn là 90%, tức là chỉ có 10% nông sản xuất khẩu là những sản phẩm tinh chế.

Điển hình ở thái cực này là mặt hàng cà phê nhân xuất khẩu với khối lượng lớn thứ nhì thế giới từ cách đây đã trên một thập kỷ, hoặc khiêm tốn hơn là vị trí thứ tư thế giới trong xuất khẩu cao su và thứ năm thế giới trong xuất khẩu chè cùng trong năm 2000.

Hai đặc điểm nổi bật nhất trong xuất khẩu những nông sản thô chủ yếu này là khối lượng rất lớn, ổn định và giá lại rất rẻ. Về mặt khối lượng xuất khẩu, vị trí thứ nhì và thứ tư, thứ năm thế giới liên tục từ hơn 10 năm nay đủ nói lên tất cả. Về giá bình quân trong 10 năm gần đây, ngoại trừ mặt hàng cao su xuất khẩu được giá cao hơn giá bình quân của thế giới 8,8%, giá cà phê chỉ bằng 51,5% giá bình quân của thế giới, còn giá chè cũng chỉ bằng 52,8% giá bình quân của thế giới. Có thể nói, đây cũng chính những tiền đề quan trọng bậc nhất cho công nghiệp tinh chế các nông sản thô này phát triển. Rõ ràng, chính vì công nghiệp chỉ gắn “nửa vời” với nông nghiệp như vậy, tuy khối lượng xuất khẩu thì khổng lồ, nhưng giá trị gia tăng thấp, cho nên chúng ta không thể với tới phần giá trị gia tăng chắc chắn lớn hơn rất nhiều do các công đoạn chế biến sâu tạo ra.

Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của thế giới cho thấy, bình quân giá cà phê nhân trong gần bốn thập kỷ trước chỉ bằng 29,3% giá cà phê hòa tan, thì trong thập kỷ vừa qua tỷ lệ này cũng chỉ là 29%. Hoặc ở mặt hàng chè, bình quân trong 10 năm qua, giá loại nông sản thô xuất khẩu này của nước ta chỉ bằng 13% giá chè được các hãng chè nổi tiếng của Anh tinh chế, trong đó tỷ lệ này ở mức đỉnh năm 2001 cũng chỉ là 18,6%, còn mức đáy năm 2007 chỉ vỏn vẹn có 9,5%.

Tất cả những điều nói trên cho thấy rằng, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, nói chính xác hơn là các ngành công nghiệp tinh chế nông sản sẽ không chỉ là tăng mạnh được kim ngạch xuất khẩu và bảo đảm sự phát triển ổn định của khu vực nông nghiệp, mà quan trọng hơn là thu được phần giá trị gia tăng lớn hơn rất nhiều so với chỉ xuất khẩu nông sản thô.

Nông nghiệp chưa theo kịp công nghiệp

Ở thái cực ngược lại, trong khi công nghiệp sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ nông sản đã phát triển mạnh, nhưng nông nghiệp lại tụt hậu quá xa, cho nên phải dựa vào nông sản nhập khẩu.

Điển hình là ngành công nghiệp dệt may. Các số liệu thống kê cho thấy, với kim ngạch xuất khẩu 9,066 tỉ đô la Mỹ năm 2009, trong khi hàng dệt may đã vượt qua dầu thô để trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, thì diện tích bông của nước ta năm 2008 sau sáu năm hầu như liên tục giảm, chỉ còn 5.800 héc ta, thấp hơn nhiều so với điểm xuất phát 6.800 héc ta năm 1976.

Chính vì vậy, khối lượng bông nhập khẩu đã tăng rất mạnh từ 40.100 tấn năm 1976 lên 357.400 tấn năm 2010, tức là tăng gấp 8,9 lần. Trong đó, nếu như khối lượng bông nhập khẩu trong giai đoạn 1986-2000 chỉ tăng 1,6 lần, còn về giá trị chỉ tăng 1,1 lần, thì trong 10 năm vừa qua hai con số này là 4,3 lần và 6,7 lần. Điều này có nghĩa là, không chỉ có khối lượng bông nhập khẩu tăng ồ ạt, mà giá bông nhập khẩu trong những năm gần đây cũng đã tăng nhanh, nhưng nông dân nước ta vẫn chỉ là những người ngoài “cuộc chơi” này.

Không những vậy, do sự phát triển không đồng bộ của tổ hợp công nghiệp này, để xuất khẩu được 11,21 tỉ đô la Mỹ hàng dệt may trong năm 2010, bên cạnh mặt hàng bông, nhập khẩu xơ sợi dệt, vải và nguyên, phụ liệu dệt may và da giày nhập khẩu đã lên tới 9,159 tỉ đô la Mỹ, bằng 56,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của hai mặt hàng dệt may và da giày.

Cũng theo hướng này, tuy thấp hơn rất nhiều, nhưng chỉ riêng tỷ trọng nguyên, phụ liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong các sản phẩm chăn nuôi nước ta đang tăng rất nhanh. Nếu như tỷ trọng này năm 2001 mới là 10,1%, thì năm 2010 đã tăng vọt lên 32,7%.

Tóm lại, trong khi nền nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, cung cấp nguồn nguyên liệu rất lớn và rất ổn định thì công nghiệp chế biến nông sản của nước ta lại chưa phát triển tương xứng, cho nên phải xuất khẩu. Ngược lại, cũng có những lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản đã phát triển mạnh trong khi nông nghiệp lại không đáp ứng kịp việc cung ứng nguyên liệu. Sự không tương xứng như vậy đã để lại hai hệ quả rất lớn. Đó là, do xuất khẩu nông sản thô trên quy mô rất lớn, và mặt khác, do nhập khẩu không chỉ nông sản thô, mà cả những sản phẩm trung gian trên quy mô lớn, giá trị gia tăng của các sản phẩm “Made in Vietnam” đều thấp. Bên cạnh đó, giá thế giới biến động, giá xuất khẩu của nước ta thấp có thể cộng hưởng với yếu tố năng suất dẫn tới “vòng xoáy trồng - chặt” không ngừng.

Do vậy, phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu các loại nông sản này để có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời phát triển mạnh sản xuất một số nông sản mà công nghiệp có nhu cầu lớn, cũng như phát triển đồng bộ những ngành công nghiệp này cũng là những vấn đề bức xúc cần phải xem xét

Nguyễn Đình Bích
29/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Hỗ trợ hàng Việt “phủ sóng”
      Định giá thương hiệu Việt
      Sản phẩm mới từ ý tưởng của khách hàng
      Vì sao VPBank đổi tên?
      Nâng cao tiếng nói của người tiêu dùng
      Câu chuyện tăng trưởng của các công ty tại Việt Nam
      Yếu thương hiệu, thiệt xuất khẩu