Welcome
Wonderbuy: Bán kiểu Mỹ, phá sản kiểu Việt Nam
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một siêu thị điện máy “bán hàng kiểu Mỹ” Wonderbuy với quy mô lớn buộc phải chọn con đường xin phá sản theo luật. Sự sụp đổ của Wonderbuy cho thấy, “chiến trường” bán lẻ điện máy không hề dễ ăn như người ta tưởng

Siêu thị Wonderbuy thuộc Công ty cổ phần Hợp Nhất khai trương cách đây khoảng một năm. Một năm trước khi Wonderbuy ra đời, không ít người, đặc biệt là các phóng viên chuyên viết về CNTT-VT, đã đặt câu hỏi: “Vì sao Wonderbuy lại chọn địa điểm tại góc ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng, đều một chiều và đều nằm ở bên trái?”

Yếu tố bên trái có thể không quá ảnh hưởng đến việc thu hút khách đến, nhưng yếu tố đường một chiều thì khác. Đường Nguyễn Đình Chiểu thì còn khả dĩ, lượng xe ít, cho nên việc dừng tạt vào không quá khó khăn và nguy hiểm, thế nhưng đổi lại thì lượng khách vào siêu thị từ đường này cũng ít. Đường Đinh Tiên Hoàng qua đoạn này, cả ngày ôtô, xe máy và khói bụi sầm sập, tạt vào là cả một vấn đề.

Có vẻ từ ban đầu, Wonderbuy tự tin quá với “lý lịch” bán lẻ của mình với gốc là Công ty Hợp Nhất. Nhưng cần biết rằng, đó là sự “vang bóng một thời” khi quy mô siêu thị hay cửa hàng điện máy ở mức nhỏ. Còn trong 5-7 năm trở lại đây, trong danh sách các “anh hào”, không có mặt Hợp Nhất.

Dạo đầu khai trương, Wonderbuy khuyến mãi ầm ĩ nên thu hút được một lượng khách đến nhất định. Thế nhưng ngay từ những ngày đầu ấy, một số nhân viên làm việc ở đây được một thời gian rất ngắn đã kêu ca vì sự quản lý bất nhất, thiếu nề nếp và thậm chí lộn xộn, cuối cùng phải chọn con đường nghỉ việc.

Thực ra, đó là những nảy sinh từ sự thiếu kinh nghiệm làm ăn lớn trong lĩnh vực bán lẻ, chưa biết cách và chưa đủ kinh nghiệm tổ chức, quản lý. Các nhân viên này cũng cho rằng, việc xếp đặt hàng hóa cũng thiếu chuyên nghiệp.

Với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng, bán hơn 70.000 chủng loại hàng điện máy và nội thất, Wonderbuy ra đời đã cho thấy rõ tính toán xây dựng một “đế chế” bán lẻ hàng điện máy. Vì thế trước mức thuê mặt bằng 25USD/m2 cao ngất ở một nơi không thuận tiện nhưng Công ty Hợp Nhất vẫn lao vào như thiêu thân.

Ở thời điểm khai trương, lãnh đạo của Hợp Nhất đưa ra dự tính sẽ mở rộng hệ thống phân phối với 23 trung tâm máy tính - điện máy - nội thất tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm để đạt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hàng điện tử lớn và chuyên nghiệp tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Nhưng ở thời điểm ấy, các đối thủ có sừng có cựa chỉ mỉm cười. Họ ngại những “anh hào” đã có “chiến tích” hơn là một anh “lính mới” như Wonderbuy, dùng tiền để khuếch trương bao nhiêu mới đủ?

Cho đến đầu năm 2011, Wonderbuy mở ra chương trình “bán hàng kiểu Mỹ”. Nghe thì hấp dẫn nhưng vào lúc kinh doanh sa sút thì khách hàng cũng vắng nhiều, lại thêm gánh nặng tiền thuê mặt bằng chất chồng, cái đế chế “bán hàng kiểu Mỹ” chưa kịp vững đế đã sụp đổ.

Đi 52 tỷ đồng

Không có ai ngoài chủ của Wonderbuy mới thấy được rõ nhất nguyên nhân thất bại. Dễ thấy nhất là giá thuê mặt bằng quá cao mà ông Tổng giám đốc Phan Thanh Hà của Công ty Hợp Nhất cũng phải công nhận là hợp đồng thuê có “sơ hở”.

Nói cho đúng hơn đó là chủ quan, “cố đấm ăn xôi” với mặt bằng này tưởng là dễ ăn, ai ngờ sự chọn địa điểm từ ban đầu đã là yếu tố thất bại.

Trong một năm, Wonderbuy lỗ 52 tỷ đồng, tính ra cứ một ngày kinh doanh là 1 tỷ đồng trôi theo... dòng thời gian. Ông Phan Thanh Hà cho rằng, kinh doanh không được tốt như các đối thủ khác nhưng cũng không đến mức là không hiệu quả.

Nói thế cũng có nghĩa là thừa nhận kinh doanh không hiệu quả. Vì trong phương án kinh doanh người ta phải tính được các chi phí, đối với ngành bán lẻ thì chi phí mặt bằng là một trong các yếu tố quan trọng nhất quyết định đến hiệu quả kinh doanh và sự thành bại.

Thứ hai nữa, sự sụp đổ của Wonderbuy như đã nói, là thiếu đội ngũ nhân sự lành nghề và kinh nghiệm. Lương không hẳn đã cao lắm nhưng nhân viên làm việc trong mớ bòng bong các loại công việc.

Trưởng một số phòng ban thiếu tầm nhìn và kinh nghiệm, thậm chí kém về năng lực, đưa ra các quyết định thay đổi xoành xoạch làm nhân viên cảm thấy mệt mỏi và ra đi. Kinh doanh chưa hiệu quả nhưng khuyến mãi ầm ĩ, lại thêm gánh nặng “bán hàng kiểu Mỹ”, cũng là yếu tố khiến cho siêu thị “cắn” vào chính mình.

Với hiện trạng của Wonderbuy, nếu có đại gia vốn lớn và trường đứng đằng sau thì khác, vì mức lỗ 52 tỷ đồng chỉ khoảng 2,5 triệu USD, so với các tập đoàn lớn nước ngoài không thấm tháp vào đâu. Thế nhưng cũng có thắc mắc, tại sao Wonderbuy không bán lại thương hiệu, hay là do không bán được?

Theo kết quả khảo sát và nghiên cứu thị trường của GFK và AC Nielsen, nhu cầu tiêu thụ trong thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam có thể đạt doanh thu khoảng 4 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay, doanh số bán lẻ chung của các thị trường hiện chỉ đạt khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD, tương đương 40%. Còn đến 60% thị trường chưa được khai thác đúng mức.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Wonderbuy là lời cảnh báo cho ngành bán lẻ điện máy Việt Nam. Trong cuộc đua sát nút của các siêu thị điện máy hiện nay, liệu Wonderbuy có tạo ra hiệu ứng dây chuyền?

DNSG
24/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Bánh mì kẹp thịt Subway vào Việt Nam
      Jetstar cung cấp chuyến bay mới giá rẻ đến Perth
      GM muốn bỏ tên gọi Chevy
      Hà Nội cho xây 2 khu nhà tái định cư trên đường Lê Văn Lương
      PepsiCola lên kế hoạch tung sản phẩm mới tại Trung Quốc
      ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á
      Sức mạnh của thương hiệu