Welcome
Phát huy sức mạnh người tiêu dùng
Việc cơ quan chức năng thường xuyên phản ứng theo đuôi những phát hiện không an toàn thực phẩm từ nước ngoài, một phần lớn qua thông tin báo chí cho thấy việc thiết lập một hàng rào phòng vệ làm nhiệm vụ cảnh bảo và chắt lọc thông tin là vô cùng cấp thiết

Ở các nước phát triển, hệ thống này có thể cấu thành từ những nguồn khác nhau. Trong đó, bên cạnh nhiệm vụ của nhà nước, các hiệp hội, tổ chức xã hội đóng vai trò quyết định.

Trả lời báo giới trong lần thăm Việt Nam năm 2007, ông Yvan Turcotte – chủ tịch văn phòng bảo vệ người tiêu dùng bang Quebec, Canada có đề cập đến vai trò của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước này. Theo ông, Nhà nước không thể đủ người đi kiểm tra tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh xem hàng hôm nay họ bán có hàm lượng hoá chất vượt mức cho phép không.

Vì vậy, vai trò của những hiệp hội tại nước này là cầu nối phản ánh thực tế đến các cơ quan công quyền. Một thí dụ khác, những năm đầu thập kỷ 90, thị trường xuất hiện một loại thuốc với chức năng kiềm chế khả năng phát tán virút HIV với giá lên đến 7.000 đôla Mỹ/một người mỗi năm, vượt xa thu nhập nhóm tiêu thụ bình dân.

Các kiến nghị giảm giá gửi lên Chính phủ Mỹ, tổ chức Y tế thế giới WHO trong một thời gian dài đều không hiệu quả do các tập đoàn dược phẩm không chịu giảm giá thành. Đến năm 1997, Chính phủ Brazil, dưới sức ép dữ dội của các nhóm dân sự phải quyết định đứng ra đàm phán. Hiệp định TRIPS ký với các tập đoàn dược phẩm sau đó quy định cung cấp thuốc cho những nước đang trong tình trạng khẩn cấp với giá ưu đãi là một minh chứng cho sự ảnh hưởng tích cực của tổ chức dân sự lên các quyết định của thị trường.

Tương tự như các nước phát triển nền kinh tế hàng hoá, người tiêu dùng Việt Nam đang có trong tay tiềm năng để cất lên tiếng nói riêng cho mình. Sự đa dạng mặt hàng trên thị trường đồng nghĩa với một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng giữa các nhà cung cấp. Từ sự cạnh tranh này, với tư cách là đối tượng chủ thể của nhà sản xuất, người tiêu dùng sở hữu một sức mạnh vô hình. Hơn nữa, vấn đề của một cộng đồng bắt đầu có khả năng đảm bảo đầy đủ về vật chất không còn nằm ở câu hỏi “cơm, áo, gạo, tiền” như trong quá khứ mà có xu hướng chuyển mình theo các giá trị tinh thần, phi vật chất, lấy đó làm thước đo của hạnh phúc. Điều này buộc tác nhân thị trường vào các “cam kết xã hội” phục vụ lợi ích cho đồng thuận số đông.

Trong xu thế cân bằng và đối trọng những quyền lực đang cùng song song tồn tại, cơ quan công quyền cần đảm bảo vai trò người cầm cân nảy mực, thiết kế một môi trường chính trị và pháp lý lành mạnh mở đường cho nhiều tác nhân cùng tham gia. Cái cần phải suy nghĩ hiện nay là làm sao biến những tiềm năng đó thành khả năng thật sự, đủ sức tác động đến các quyết sách, xây dựng một cơ chế khuyến khích dư luận đứng ra tự bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình và của mọi người.

Một trong những thành tố quan trọng là luật hoá rõ ràng các hoạt động của các hiệp hội. Khung pháp lý có vững vàng thì mới thúc đẩy được vai trò tích cực của số đông, đồng nghĩa với việc phát huy tối đa tiếng nói của những hiệp hội, góp phần cùng Nhà nước kiểm soát thị trường, khiến cho các nhà sản xuất không dám “làm liều”.

Ngược lại, xuất phát từ những lý do lợi ích ngắn hạn, ưu tiên đặc biệt cho thị trường về mặt thuế khoá và pháp lý – ví von như việc chỉ mở lối đi riêng cho những nhóm lợi ích tư, nhóm đa số đặt mục tiêu kinh doanh của mình làm tối thượng – sẽ đồng nghĩa với việc lãng quên một nguồn lực quý báu khác của xã hội. Một nguồn lực, mà gần 25 năm cải cách kinh tế, đã qua ngưỡng phôi thai, tiến tới giai đoạn định dáng, định hình.

Như vậy, chuyện kẹo có chất tạo màu, sữa có melamine, thực phẩm trẻ em có cadmium… toàn những chất độc hại, không đơn thuần là bài toán môi trường, thực phẩm sạch hay bảo vệ sức khoẻ mà còn là câu hỏi về mô thức quản trị xã hội, nhìn từ khía cạnh chính sách vĩ mô đối với người tiêu dùng. Và khi thực tế như tiếng còi tàu đang réo gọi, vì hạnh phúc, thịnh vượng chung của cả cộng đồng, không ai trong chúng ta được phép đứng yên chờ

SGTT
18/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Doanh nhân nữ Việt Nam nhạy bén với thương mại điện tử
      Coca - Pepsi: Cuộc thư hùng tại thị trường Việt Nam
      Để thương hiệu SABECO rơi vào tay đối tác: Lỗi tại ai?
      1.000 tỉ đồng có mua được Vinacafé Biên Hòa?
      20th Century Fox – Công nghệ giải trí gia đình
      Cơ hội làm giàu của các Ngân hàng ngoại
      Trào lưu sang nhượng quán cafe: Có dễ kiếm siêu lợi nhuận?