Welcome
Thị trường đóng băng, sàn đóng cửa
Ước tính có khoảng 50% sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM đã phải đóng cửa do sự ảm đạm kéo dài của thị trường địa ốc

Cuối năm 2010, trên đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) đến chân cầu vượt Thủ Thiêm có khoảng 5 sàn giao dịch bất động sản gồm Sàn Giao dịch Thế giới Bất động sản, Đất Vàng Mới, Samland, Easyspace và một trung tâm môi giới nhỏ. Tuy nhiên, đến nay chỉ có Thế giới Bất động sản và Easyspace là còn hoạt động. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều con đường khác như Trần Não (quận 2), Khánh Hội (quận 4).

Ông Lâm Văn Chúc, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản Phúc Đức, cho biết, khu Đông TP.HCM được xem là nơi có giao dịch ổn định nhất Thành phố, nhưng trên đường Trần Não, nơi tập trung nhiều trung tâm giao dịch, cũng đã thưa thớt các sàn giao dịch. “Các sàn đóng cửa không chỉ vì thị trường khó khăn mà còn do có nhiều luật mới, nên hoạt động không còn dễ dàng như trước. So với đầu năm 2009, số sàn ở khu này đóng cửa đến hơn phân nửa”, ông nói.

Theo ước tính của ông Nguyễn Thái Phúc Hào, Giám đốc Sàn Giao dịch Bất động sản ACB, khoảng 50% sàn trên thị trường TP.HCM đã ngưng hoạt động, nhưng đa phần là những sàn chuyên về môi giới và hoạt động không chuyên nghiệp.

Khó khăn không chỉ diễn ra với các sàn nhỏ độc lập, mà cả với những tập đoàn lớn. Một nhân viên phụ trách marketing của một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh dự án, môi giới nhà đất (không muốn nêu tên) cho biết để duy trì một sàn bất động sản với 5, 6 nhân viên thì ít nhất mỗi tháng cũng tốn gần 100 triệu đồng. Đối với các công ty môi giới có vài chục nhân viên, con số này có thể lên đến 500-600 triệu đồng.

Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc kiếm đủ tiền để bù đắp chi phí hoạt động là chuyện không dễ. Ông Hào, Sàn ACB, cũng cho biết: “Tháng nào may mắn lắm Sàn mới có thể huề vốn, chứ hầu như là phải bù lỗ”.

“Mặc dù không cắt giảm nhân sự, nhưng để vượt qua giai đoạn khó khăn này chúng tôi phải cơ cấu lại tổ chức, tiết giảm chi phí và tìm lối đi riêng”, ông nói thêm. Hiện nay, ACB chỉ tập trung môi giới các loại hình có nhu cầu thực trên thị trường như các căn hộ có giá bán trên dưới 1 tỉ đồng và đất nền giá rẻ. Không chỉ môi giới, ACB còn đẩy mạnh mảng dịch vụ như tư vấn pháp lý, định giá vì theo ông Hào, “trong thời điểm khó khăn, những dịch vụ này rất cần thiết”.

Trong khi đó, ông Chúc, Công ty Phúc Đức, cho biết trong bối cảnh hiện nay, tiết giảm chi phí, hạn chế các khoản như chi phí marketing, làm thương hiệu là việc làm đầu tiên của các nhà phân phối bất động sản. “Vấn đề hiện nay là tiền mặt. Người mua không có tiền, nên dù có tăng cường quảng bá thì cũng khó mà bán được. Nếu cầm cự, vượt qua được giai đoạn khó khăn này thì khi thị trường hồi phục, mình sẽ có nhiều cơ hội”, ông nói

NCĐT
09/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Doanh nghiêp kỳ vọng sức mua hàng điện tử tăng
      Phần lớn ngân hàng Châu Âu vượt qua cuộc “sát hạch sức khỏe”
      Đầu tư cho địa chỉ đẹp
      Nắm rõ nhu cầu là sự thông minh cần có của người làm Marketing
      Vì đâu thương hiệu Việt “chết” trên sân nhà?
      Vội xây dựng thương hiệu, lợi bất cập hại
      Procter & Gamble và 1 tỷ đô cho quảng cáo