Welcome
SCTV bị đòi hơn 4,8 tỉ đồng tiền bản quyền
Một vụ kiện về tác quyền có thể xảy ra nếu sau ngày 10.6 tới, SCTV không chi trả hơn 4,8 tỉ đồng tiền phí bản quyền các ca khúc âm nhạc, chương trình ca nhạc mình đã tự ý sử dụng hơn bốn năm qua. Người khởi kiện là trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC – viết tắt: trung tâm) – đại diện chủ sở hữu

Xài chùa

"Chat with star", một chương trình của kênh SCTV6. 

Theo luật sư Lê Quang Vy, công ty luật Việt Long Thăng (đơn vị được trung tâm uỷ quyền đòi phí) từ năm 2007 đến nay, công ty TNHH truyền hình cáp Sài Gòn Tourist (SCTV) đã phát sóng nhiều tác phẩm âm nhạc đồng loạt trên 36 kênh nhưng không hề xin phép và trả phí thù lao bản quyền cho trung tâm. Tuỳ theo mức độ, kênh phát ít vài ba tiếng một ngày, có kênh phát 24/24. Cũng từ khi SCTV xài chùa các tác phẩm âm nhạc, trung tâm đã phát tới 19 công văn yêu cầu đối tác phải thực thi các quy định về bản quyền, nhưng đến nay, mọi chuyện không tiến triển. SCTV có thừa nhận việc đã lỡ xài, tuy nhiên khoản phí SCTV đề nghị trả chỉ bằng một phần nhỏ so với khoản phí trung tâm đòi.

Ông Đinh Trung Cẩn – giám đốc trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam cho biết, dù không xin phép và trả phí tác quyền cho trung tâm, nhưng khi SCTV “hợp tác” với công ty cổ phần truyền thông giải trí Siêu sao và công ty cổ phần công nghệ và tầm nhìn Yêu âm nhạc để sản xuất hai kênh Yeah 1TV và SCTV2 thì hai công ty đối tác này đã tỏ ra nghiêm túc thực thi các quy định về bản quyền. Họ đều đến trung tâm để ký “Hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc” với tổng phí thù lao là 265 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, hầu hết các đài truyền hình địa phương ở phía Nam, nơi chi nhánh quản lý, cũng đã ký loại hợp đồng này từ 4 – 5 năm trước. Theo ông Cẩn, SCTV là trường hợp hiếm hoi.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thành lập năm 2002, thuộc hội Nhạc sĩ Việt Nam, là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc thông qua các hợp đồng uỷ thác. Trung tâm sẽ thay mặt chủ sở hữu đàm phán, ký hợp đồng cấp phép sử dụng tác phẩm âm nhạc, thu tiền bản quyền và theo dõi việc thực hiện hợp đồng đã ký với các cá nhân, đơn vị sử dụng âm nhạc. Hiện trung tâm được nhiều nhạc sĩ, tác giả tại Việt Nam uỷ quyền thu hộ tác quyền âm nhạc trong lẫn ngoài nước. Tính đến nay, trung tâm đã ký hợp đồng song phương về tác quyền âm nhạc với 133 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2009, trung tâm gia nhập Liên minh quốc tế các hiệp hội tác giả và nhạc sĩ thế giới (CISAC).

Luật sư Lê Quang Vy nhận định, việc SCTV đã và đang sử dụng các tác phẩm âm nhạc để kinh doanh trên các kênh truyền hình cáp thuộc quyền sở hữu của mình nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả phí thù lao bản quyền là hành vi xâm phạm quyền tác giả, theo quy định tại điều 28, luật Sở hữu trí tuệ. Do vậy, nếu vụ việc phải đưa ra toà, bước đầu tiên, bên khởi kiện sẽ đề nghị toà áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (theo luật), tức là buộc SCTV phải ngưng phát sóng các chương trình ca nhạc hiện nay có liên quan đến vụ kiện.

Giá nào?

Điều trước tiên phải nói, khi xài các tác phẩm âm nhạc, nếu SCTV tuân thủ pháp luật (ký hợp đồng, thương lượng giá...) chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng một bài hát, chương trình biểu diễn bị “nâng lên, đặt xuống” như hiện nay. Việc định giá để buộc SCTV chi trả cũng là điều khó, nếu ra toà. Thực tế, không phải tác giả nào có tác phẩm bị SCTV sử dụng hoặc có chương trình âm nhạc được phát nhưng lại do các đối tác của SCTV sản xuất... cũng uỷ thác cho trung tâm bảo vệ quyền lợi cho mình. Nên việc trung tâm tính được tỷ lệ thuộc trách nhiệm của mình là bao nhiêu trên một kênh thật không dễ.

Trên cơ sở mức phí thù lao bản quyền mà hai đối tác của SCTV nêu trên đã trả cho trung tâm, luật sư Vy đã đề nghị SCTV phải áp dụng “nguyên tắc tương tự” khi trả phí thù lao cho trung tâm. Vì hai kênh YEAH1TV và SCTV2 có 100% thời lượng phát sóng sử dụng âm nhạc, nên mức giá bình quân mỗi kênh là 132,5 triệu đồng/năm. Từ con số này, trung tâm sẽ nhân với tỷ lệ thời lượng phát sóng sử dụng âm nhạc của 36 kênh để ra số tiền SCTV phải trả mỗi năm. Tổng cộng, trong bốn năm (2007 – 2010), trung tâm đòi SCTV trả hơn 3,7 tỉ, nếu tính luôn tỷ lệ lạm phát hàng năm, con số sẽ hơn 4,8 tỉ đồng. Với cách tính này, luật sư Vy cho rằng, đây là mức trung tâm chấp nhận được và hợp lý.

Được biết, hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã ra đời được hơn một tháng với gần 150 hội viên, ông Trần Văn Uý, tổng giám đốc SCTV hiện là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký. Nếu phải nhờ đến sự phán xử của toà, đây sẽ là một vụ việc mà hiệp hội Truyền hình trả tiền có thể lấy làm điển hình khi tiêu chí hoạt động là giải quyết các tranh chấp, cạnh tranh về bản quyền, kinh doanh truyền hình… thúc đẩy sự phát triển của truyền hình trả tiền Việt Nam

Vĩnh Hoà
04/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      S-Fone cung cấp dịch vụ Internet di động trả trước
      L18:Thông qua việc chào bán cổ phiếu giá 20.000 đồng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1
      Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010: Hứa hẹn vòng chung kết huy hoàng
      Người bán đã có vị thế đàm phán giá
      Xây dựng thương hiệu: Kinh nghiệm Hàn Quốc
      Hàng nhãn riêng sẽ trở nên thông dụng
      Vocarimex: Gà nhà đá nhau