Welcome
Người Việt xài tiền : Mừng ít, lo nhiều
Hàng hiệu với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thời trang, điện tử... đã và đang đổ bộ vào VN, chiếm lĩnh các vị trí đắc địa tại các TP lớn như HN và TP HCM

Điều đáng nói, trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, giá cả tăng cao, tại các thành phố lớn và sôi động như HN và TP HCM, lượng khách xài hàng hiệu không giảm, trái lại có phần đông vui tấp nập. 

Giờ nghỉ trưa, nhưng tại cửa hàng giầy của Malaysia tại trung tâm thương mại lớn tại HN, khách hàng - chủ yếu là tầng lớp thanh niên, dân văn phòng ken đặc chọn và thử đồ. Mỗi sản phẩm ở đây có giá từ 1 - 3 triệu, được xếp vào hàng bình dân. Thế nhưng, quan sát buổi trưa của ngày đầu hè đó, có ít nhất hơn 10 chiếc túi xách được bán. 

Tháng 5, hè về cũng là mở đầu cho mùa du lịch. Tưởng rằng, kinh tế khó khăn, nhu cầu vui chơi giải trí sẽ tiết giảm đầu tiên. Thế nhưng, nhìn vào lượng khách đổ xô đi du lịch trong những ngày nghỉ lễ vừa qua mới thấy người dân không hề “chùn bước” dù giá tour được điều chỉnh và có sự phân hoá rõ rệt. Ghi nhận tại một số hãng lữ hành lớn tại HN cho thấy, số khách sử dụng dịch vụ cao cấp cả trong và ngoài nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Mỹ, Châu Âu, Hong Kong chiếm một phần đáng kể.

Không phụ thuộc vào mùa vụ như du lịch nhưng các “siêu phẩm” của đại gia Apple cũng được săn lùng và chào đón nồng nhiệt. iPhone, iPad, iPhone 4 và mới đây nhất là dòng sản phẩm Macbook Air của Apple - tất cả đều nhận được sự “đón tiếp” đầy ưu ái.

Có tiền thì mua gì hay tiêu gì cũng được. Đó là chuyện tất yếu. Một số nhà xã hội học đã nói như vậy khi chúng tôi đề cập đến câu chuyện bùng nổ hàng hiệu, sự tiêu dùng xa xỉ, nhất là trong thời khó khăn lạm phát như hiện nay. Nhận định này được đưa ra cũng có cái lý bởi, đời sống có được cải thiện, khá giả thì mới có điều kiện để nghĩ đến các dịch vụ, sản phẩm cao cấp, tự nâng cao chất lượng sống cho mình. Đây cũng là điều đáng mừng và nên xem đây như là một trong những yếu tố cấu thành cuộc sống tiêu dùng hiện đại. Ý nghĩa tích cực ở đây còn thể hiện ở chỗ, về nguyên tắc sự phát  triển này, nhất là ở khối ngành dịch vụ cũng có thể góp phần duy trì tổng cầu chung cho phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho những người làm dịch vụ ăn theo...

Sẽ không có điều gì đáng nói nếu sự phát triển đó phải nằm trong khả năng tiêu dùng cho phép và sức chịu đựng của người dân, đồng thời cũng không góp phần làm tăng mặt bằng giá cả tiêu dùng chung dẫn đến lạm phát - TS Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu kinh tế xã hội HN cho biết. Tuy nhiên, sự phát triển các dịch vụ, sản phẩm cao cấp cần suy nghĩ thêm, thậm chí là lên án nếu đó là phong trào tiêu dùng xa xỉ, lãng phí quá mức và vượt quá khả năng thanh toán, thu nhập trung bình của xã hội. Đi cùng với những chuyến xuất ngoại xa xỉ, những lô hàng nhập đó là một lượng ngoại hối lớn chảy ra nước ngoài một cách chính đáng trong khi chúng ta đang cố gắng tìm mọi cách huy động để tăng dự trữ ngoại hối. Hơn nữa, tình trạng nhập hàng xa xỉ quá mức có thể làm gia tăng tình trạng nhập siêu, làm lệch cán cân thương mại.

Để hạn chế, ngăn ngừa hiện tượng trên góp phần cho mục tiêu chung kiềm chế lạm phát, bài học tại các nước cho thấy, khó có thể đưa ra biện pháp hành chính cấm đoán hay ngăn cản. Hiệu quả nhất là tiếp tục đẩy mạnh, phát triển theo hướng đồng bộ để tăng sức hấp dẫn cho thị trường nội địa để trước mắt “người Việt yêu thích hàng Việt”, sau đó là khách nước ngoài đi một lần mà vẫn...  thòm thèm, muốn quay lại thêm một vài lần. Làm được như vậy, ngoại tệ không chỉ hạn chế chảy đi mà ngược lại còn thu thêm về. Bởi suy cho đến cùng, rất nhiều sản phẩm thương hiệu quốc tế đều được gia công thực hiện tại chính đất nước chúng ta

DĐDN
27/05/2011
  CÁC TIN KHÁC
      10 nguyên nhân thất bại của doanh nghiệp nhỏ
      Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010: Hứa hẹn vòng chung kết huy hoàng
      Hàng nội chưa được "ưu tiên"?
      Vội xây dựng thương hiệu, lợi bất cập hại
      Giải pháp chuyển tải tính cách thương hiệu
      Tiếp thị tại cửa hàng chưa đủ
      Ý nghĩa ẩn giấu sau 10 logo thương hiệu nổi tiếng