Welcome
Siêu thị hút khách
Lượng khách hiện nay mua hàng của tôi giảm hơn 30%, họ không đến đây nữa chắc là do chuyển sang mua ở siêu thị

Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP.HCM), cho biết thời gian gần đây, lượng khách đến chợ đã giảm đến 30%-40%. Cùng chung cảnh ngộ này, bà Trần Thị Kim Liên, Trưởng ban Quản lý chợ Nguyễn Văn Trỗi, cho biết từ tháng 3, tháng 4 và tháng 5 sức mua ở chợ này đã giảm khoảng 30%.

Thay vào đó lượng khách “đi chợ” trong siêu thị đã tăng đáng kể. Trước tình hình này, các chợ truyền thống phải tự đổi mới cách kinh doanh mới mong lôi kéo được khách hàng về.

Siêu thị thắng lớn

Mới 8 giờ sáng mà trong lồng chợ Tân Sơn Nhất, Phạm Văn Hai đã vắng hoe, số người bán nhiều hơn mua. Chị Hoàng Thị Phương, bán rau củ quả chợ Tân Sơn Nhất, cho biết dạo này buôn bán ế ẩm, một ngày lấy 3-4 kg các loại bí, cà rốt, khoai tây… bán hai, ba ngày mới hết. Rau trong ngày không bán được thì trả lại cho mối. Chợ này nằm giữa Siêu thị Big C Nguyễn Kiệm và Co.op Mart Nguyễn Kiệm nên đã mất đi lượng khách đáng kể.

Các tiểu thương tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cho biết phí chợ hàng thịt 162.000 đồng/tháng, hàng rau củ 108.000 đồng/tháng, hàng cá 144.000 đồng/tháng… Các loại phí chợ cao là vậy, trong khi sức mua rất ì ạch.

Còn chị Trần Thị Hoa, hàng rau ăn lá chợ Bà Chiểu, than thở: “Lượng khách hiện nay mua hàng của tôi giảm hơn 30%, họ không đến đây nữa chắc là do chuyển sang mua ở siêu thị”.

Trong khi chợ lâm cảnh… chợ chiều thì các siêu thị luôn đạt được những con số về mãi lực rất ấn tượng. Ông Phùng Mạnh Đức, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Phú Thọ, cho biết: “Ngày thường thì siêu thị đón chừng 10.000-15.000 lượt khách. Riêng các dịp lễ thì con số tăng lên 25.000-30.000 lượt khách/ngày. Doanh thu ngày lễ tăng 200%-300% so với ngày thường”.

Còn bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Siêu thị Big C, cho biết bình quân lượng khách trong năm của siêu thị này tăng đều 15%-20%.

“Trung bình một ngày trên toàn hệ thống Saigon Co.op có đến 200.000 lượt khách” - ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết.

Chết vì nói thách

Lý giải về sự sụt giảm lượng khách đến chợ, ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai, cho biết hiện nay có tình trạng tiểu thương hay tận dụng cơ hội để nâng giá bán khi khách đến nhiều vào những ngày cuối tuần. Trong khi đó, các siêu thị đua nhau giảm giá hay có chương trình khuyến mãi… Trước tình hình đối nghịch nhau như vậy, các tiểu thương ở chợ nếu không biết điều chỉnh lại thái độ bán hàng là tự hại chính mình.

Bà Trần Thị Kim Liên, Trưởng ban Quản lý chợ Nguyễn Văn Trỗi, cho hay nguyên nhân chi phối thị phần là những người đi làm sau giờ nghỉ chọn đến siêu thị để mua thuận lợi hơn.

Một nguyên nhân nữa, theo ghi nhận của chúng tôi, lý do giảm khách đến là do tình hình chung là giá cả tăng trong khi giá ở chợ lại không ổn định. Trong siêu thị có nhiều chương trình khuyến mãi, lượng hàng bình ổn cũng tập trung ở đó nhiều hơn.

Chợ lên kế hoạch tự cứu mình

“Trong cuộc sống hiện nay thì giữa người mua và bán vẫn có sự giao lưu với nhau. Đây là thế mạnh của chợ truyền thống, nếu tiểu tương biết phát huy thì sẽ phát triển bền vững” - bà Trần Thị Kim Liên, Trưởng ban Quản lý chợ Nguyễn Văn Trỗi, chia sẻ.

Trong khi nhiều tiểu thương không bán được hàng thì vẫn có những người có “chiêu” riêng để giữ khách. Chị Hoàng Thị Phương, tiểu thương ở chợ Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Tôi cũng có những khách quen, để giữ khách thì chỉ cần giảm bớt cho người ta chút ít như món hàng có giá 20.500 đồng thì mình bớt 500 đồng, họ xin thêm ít hành ngò ớt thì cũng cho…”.

Còn chị Phương ở chợ Phạm Văn Hai thì giữ chân khách bằng việc lựa rau ngon, làm sạch, không nói thách và bán đúng giá. Theo chị Phương, nếu người bán trung thực thì người đi chợ sẽ không bỏ mình.

Ngoài sự vận động tự thân của các chợ, nhiều ban quản lý chợ cũng đã có những kế hoạch vận động để người tiêu dùng không bỏ chợ. “Chúng tôi đang vận động các tiểu thương bán giá đúng niêm yết để không xảy ra sự đột biến về giá. Cố gắng liên kết với các DN vừa và nhỏ quảng bá hàng hóa tại chợ. Hằ̀ng tuần đều có ít nhất một, hai DN trưng bày giới thiệu sản phẩm bán hàng khuyến mãi tại chợ để lôi kéo người tiêu dùng. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động giữ xe đúng giá, dành giá ưu đãi cho tiểu thương hoặc khách thường xuyên đến chợ” - ông Lê Phương Trang, Phó ban Quản lý chợ Xóm Chiếu (quận 4), nói.

Theo ông Trang, ngoài những việc kể trên, Ban Quản lý chợ Xóm Chiếu cũng cố gắng giữ an ninh trật tự, yêu cầu tiểu thương trưng bày hàng trong phạm vi cho phép, tạo lối đi thông thoáng để khách hàng không thấy khó khăn khi vào chợ.

Hiện nay, chợ Xóm Chiếu đang xin ý kiến quận cho đấu thầu bãi giữ xe để nâng cao trách nhiệm của người giữ xe. Đầu tư nơi giữ xe làm sao cho khách hàng thuận lợi hơn

Pháp Luật TP.HCM
26/05/2011
  CÁC TIN KHÁC
      BP vẫn là mục tiêu của làn sóng giận dữ
      Chợ tạm hoa quả Hồng Bàng – Hải Phòng : Cần giải quyết triệt để !
      Khuyến khích hình thành DN cho thuê nhà ở
      Bốn bài học cơ bản giúp quảng cáo tiếp cận với khách hàng
      Người tiêu dùng “thích” cất thẻ vào... bóp
      Làng biệt thự The Pegasus Residence có giá từ 1,1 tỷ đồng/căn
      Cuộc đua cửa hàng tiện lợi