Welcome
Tỷ giá, lãi suất - hai mối lo của doanh nghiệp Việt Nam
Theo khảo sát mới nhất của Ngân hàng HSBC về chỉ số tin cậy thương mại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng tỷ giá và lãi suất cao là hai mối quan ngại lớn trong việc kinh doanh nửa cuối năm của họ.

Khảo sát này được thực hiện mỗi năm 2 lần và đây là lần thứ 5 được tiến hành bởi Công ty nghiên cứu thị trường TNS từ ngày 17-2 đến 30-3-2011 theo đơn đặt hàng của HSBC.

Lần khảo sát này được tiến hành tại 21 thị trường bao gồm những nền kinh tế quan trọng của châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Mỹ La tinh, Bắc Mỹ và châu Âu.

Tổng cộng đã có gần 6.400 doanh nghiệp kinh doanh quy mô vừa và nhỏ tham gia khảo sát cho biết quan điểm của họ về khối lượng giao dịch thương mại trong 6 tháng tới, các rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp, nhu cầu tài trợ thương mại, khả năng tiếp cận tài trợ thương mại, tác động của ngoại hối và chính sách của nhà nước đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát được sử dụng để tính chỉ số tin cậy thương mại, xếp từ 0 đến 200, trong đó điểm 200 thể hiện mức độ tin cậy cao nhất, điểm 0 thể hiện mức thấp nhất và 100 là trung bình. Đây là lần thứ hai liên tiếp kết quả khảo sát cho thấy mức độ tin cậy thương mại của các nhà kinh doanh Việt Nam giảm nhẹ: vào nửa đầu năm 2010, chỉ số này ở Việt Nam đạt 132 điểm (cao nhất trong 5 kỳ khảo sát), sau đó giảm 10 điểm còn 122 điểm vào nửa cuối năm 2010 và giảm tiếp 6 điểm đạt 116 vào nửa đầu năm 2011.

Kết quả này cũng phản ánh sự thận trọng của các doanh nghiệp Việt Nam trước những khó khăn trong thời gian tới, đặc biệt là lo ngại về biến động tỷ giá ngoại hối, lãi suất cũng như những rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp tăng cao.

81% doanh nghiệp Việt Nam so với 74% trong lần khảo sát cuối 2010 cho biết sự biến động tỷ giá hối đoái là khó khăn lớn nhất trong việc phát triển kinh doanh, đặc biệt là sau những diễn biến của thị trường ngọai hối vào đầu năm 2011. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam cho rằng tác động của tỷ giá hối đoái trong 6 tháng tới sẽ không có lợi cho việc kinh doanh của họ tăng lên (77% so với 66%). Thêm vào đó, khi lạm phát tiếp tục tăng cao trong nửa đầu năm 2011, lãi suất tăng cao đã trở thành mối quan ngại lớn thứ hai trong việc phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp. Có đến 51% doanh nghiệp so với 20% của lần khảo sát trước đồng tình quan điểm này.

Các doanh nghiệp tại 21 thị trường tham gia khảo sát vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng giao thương nói chung nhưng họ lại có nhiều quan ngại hơn với những rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp. Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng cùng xu hướng này khi có sự gia tăng trong số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng rủi ro thanh toán từ phía người mua và rủi ro khi người bán không tuân thủ các thoả thuận thương mại sẽ tăng, lần lượt ở mức 22% lần khảo sát này so với 10% vào nửa cuối năm 2010 (rủi ro từ phía người mua) và 18% so với 7% (rủi ro từ phía nhà cung cấp). Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng lý do những rủi ro này tăng là tình trạng tài chính của các doanh nghiệp mua và cung cấp có xu hướng xấu đi.

Về các biện pháp doanh nghiệp sử dụng để bảo vệ mình khỏi các rủi ro về thanh toán từ phía người mua, số lượng các doanh nghiệp chọn giải pháp đưa ra các kỳ hạn linh động tăng đáng kể, đạt mức 38% so với 14% vào nửa cuối 2010, hoặc hạn chế giao thương với một số đối tác nhất định (25% so với 7% nửa cuối 2010). Thêm vào đó, họ cũng sẽ chấp nhận những đơn hàng nhỏ hơn để giảm thiểu rủi ro cho mỗi giao dịch, yêu cầu thanh toán trước và sử dụng nhiều hơn công cụ tài trợ thương mại thông qua các ngân hàng. Số lượng nhà kinh doanh đặt hy vọng của họ vào những khoản bảo hiểm rủi ro xuất khẩu giảm đi, chỉ còn 4% so với mức 14% ở lần khảo sát trước.

Khi cân nhắc thận trọng những rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp có nguy cơ tăng lên với nhu cầu cần phát triển kinh doanh, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tăng tài trợ thương mại đã tăng lên mức 75% trong lần khảo sát này so với 67% vào cuối năm ngoái. 52% số người được hỏi cho biết họ sẽ sử dụng nguồn tài trợ thương mại từ các ngân hàng trong khi gần một phần ba (34%) nói họ sẽ sử dụng vốn tự có để kinh doanh. Chỉ 15% số doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng các hợp đồng thương mại trong tương lai được thanh toán dựa trên sự hỗ trợ của người mua và thoả thuận thanh toán từ phía người bán

Thủy Triều
TBKTSG Online
19/05/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Thương hiệu Porsche đáng tin cậy nhất
      SEO - cách tiếp thị online rẻ nhất, hiệu quả cao
      Hàng Việt mang mác ngoại!
      P&G không ngừng đa dạng hóa các giải pháp tiếp thị trực tuyến
      Định vị hàng Việt: Hàng bình dân "thắng” lớn
      Điện và dầu khí cùng... lãng phí
      Internet Marketing cho “gà đẻ trứng vàng”