Welcome
Khi bà hàng thịt bị làm giám đốc doanh nghiệp
Giữa trưa, người đàn bà xắn tay áo, “lẻo” từng nhát dao lên tảng thịt heo rồi đặt lên cân. Những đồng tiền lẻ được bà cuộn tròn, nhét vội vào áo. Cách đó không xa, một người đàn ông tì tay đánh vảy con cá lóc. Ít ai có thể ngờ, họ là giám đốc của hai doanh nghiệp mà tài sản chỉ gồm một cái bàn, hai cái cân…

Chuyện như đùa của hai giám đốc kể trên cũng là chuyện chung của hơn 20 doanh nghiệp dọc hai bên tuyến đường Tân Chánh Hiệp 2, phường Tân Chánh Hiệp và đường TTN08, phường Tân Thới Nhất, quận 12.

Giám đốc chặt thịt và lóc vảy cá

Ngày làm việc của ông Huỳnh Văn Ngọc, giám đốc công ty TNHH Bảy Ngọc bắt đầu từ một giờ sáng. Mở mắt, ông chạy chiếc xe máy cà tàng lên chợ đầu mối Bình Điền lấy vài ký cá điêu hồng, tôm sú, cá lóc... Năm giờ sáng, đứng cạnh những chiếc thau chứa cá có thổi oxy, ông Ngọc đợi đối tác đến giao dịch. Gọi là đối tác cho sang, thực chất họ là những người lao động, những bà nội trợ đi chợ mua cá. Mỗi khi đối tác đến, ông giám đốc vội vàng xắn tay áo, đập đầu cá, cắt mang, đánh vảy, không quên cò kè thêm ít đồng. Nhìn từ ngoài vào, nếu không có bảng hiệu hoành tráng, doanh nghiệp của ông Ngọc chẳng khác một sạp bán cá trong chợ.

Bà Nguyễn Thị Vấn, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hằng Hiếu bắt đầu một ngày làm sếp của mình bằng việc thức dậy lúc ba giờ sáng để đến các lò giết mổ mua 30kg thịt heo và thịt bò, năm giờ sáng dọn hàng ra bán. Tài sản của công ty TNHH Hằng Hiếu là ba cái bàn để rau, mấy chục ký thịt, lòng heo và hai cái cân.

Bà hàng thịt thành giám đốc doanh nghiệp để có thể buôn bán lề đường. Ảnh: Thanh Hảo

Bà Vấn kể, từ nhiều năm trước, bà thuê nhà ở tuyến đường này mua bán thịt và rau củ quả để mưu sinh. Sạp hàng nhỏ đủ để bà nuôi hai đứa con một cách tằn tiện. Đến giữa năm 2010, UBND phường Tân Thới Hiệp không cho mua bán vì đường Tân Chánh Hiệp nằm trong 51 tuyến đường cấm họp chợ. Để kiếm sống, bà Vấn lách sự cấm đoán của chính quyền bằng cách lên sở Kế hoạch và đầu tư xin giấy phép thành lập công ty mua bán rau củ quả và thịt tươi sống. Ngày đầu mới thành lập, bà Vấn chẳng hiểu công ty là thế nào, không biết sử dụng hoá đơn, đóng thuế và lọng cọng khi sử dụng con dấu. Nhưng xấu hổ nhất là mỗi lần gọi điện thoại về quê, ai cũng tưởng bà làm giám đốc oai lắm. Có ai hỏi, bà toàn giấu vì giám đốc gì mà phải trân mình chặt thịt, bán buôn bé xíu lại không hiểu chút gì về doanh thu, doanh số, thuế má, giấy tờ…

Ông giám đốc Ngọc cười chua chát: “Nói thì quê độ, chứ giám đốc gì mà đập đầu cá bôm bốp, quanh năm suốt tháng không ký hợp đồng, không giao dịch đối tác. Do phường, quận cấm mua bán thì tôi phải lách”, ông Ngọc nói.

Quận cấm, sở cho

Từ ngày bị nâng cấp lên doanh nghiệp, những hộ dân ở đây bắt đầu bận rộn với đủ các khoản thuế: môn bài, doanh nghiệp, lệ phí quản lý hành chính... Ai cũng phải làm bản cam kết với cảnh sát khu vực, nếu buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, hàng hoá không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng, nhưng phường vẫn cấm bán.

Có quyền kiện ra toà

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, trưởng văn phòng luật sư Trường, các doanh nghiệp kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật thì có quyền hoạt động. Hơn nữa, các doanh nghiệp này có đầy đủ các thủ tục cần thiết như: đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và trụ sở không nằm trong danh sách những con đường không được phép kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm do UBND TP.HCM quy định thì chính quyền địa phương không thể cấm. Khi người dân có đủ thủ tục kinh doanh mà vẫn bị thiệt hại kinh tế vì chính quyền không cho bán thì họ có quyền khởi kiện ra toà. Lúc đó, người dân là nguyên đơn trong vụ án dân sự mà UBND quận 12 là bị đơn. Tất nhiên, để được bồi thường, người dân phải chứng minh thiệt hại cụ thể của mình.

Hiện hàng ngày, chính quyền phường cho lực lượng kiểm tra liên tục những hộ kinh doanh mặt hàng này và buộc người dân phải dọn đi nơi khác bán, nếu không thì đóng cửa. Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, giám đốc doanh nghiệp bán trái cây kể, sau nhiều tháng bị buộc đóng cửa, mất thu nhập, vợ chồng bà vừa bán vừa chạy rong, mỗi ngày chỉ được từ 30 – 40 ngàn đồng.

Theo lãnh đạo phường Tân Thới Nhất, việc phường không cho các hộ dân ở đây kinh doanh các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, các loại rau củ quả tươi sống đông lạnh nhằm lập lại trật tư an toàn giao thông trên tuyến đường, theo chỉ đạo của UBND quận 12. Phường nghiêm cấm các hộ kinh doanh không có chứng nhận kinh doanh. Những trường hợp hộ có giấy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp do sở Kế hoạch và đầu tư cấp cũng không được phép kinh doanh những mặt hàng thuộc các nhóm nêu trên.

Một lãnh đạo sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, nói việc cấp phép của sở căn cứ trên hồ sơ doanh nghiệp đưa lên, không biết quy định của quận, nên khi hồ sơ hợp lệ thì sở phải cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên, vị này cho biết sở sẽ làm việc với quận 12 để có hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp, không để xảy ra trường hợp sở cấp phép, còn quận không cho hoạt động

Tùng Quang – Thanh Nhã
SGTT
09/05/2011
  CÁC TIN KHÁC
      10 thảm họa thương hiệu năm 2010
      Thị trường điện thoại: Giá rẻ vẫn độc tôn
      Triển vọng cổ phiếu ngành xây dựng
      Sàn B2B chật vật tìm hướng đi mới
      96 ngân hàng của Mỹ ngừng hoạt động
      10 thí sinh thắng cuộc trong “Thách thức vì từ thiện cùng Subaru”
      Tìm lợi thế chiến lược ở đâu?