Welcome
Thị trường Điện tử - Điện máy: Bức tranh nhạt
Mặc dù được biết đến như một thị trường sôi động với nhiều sản phẩm mới liên tục xuất hiện, tạo được sự quan tâm của người tiêu dùng, nhưng kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy bức tranh của thị trường điện tử, điện máy cũng như thiết bị công nghệ trong năm 2010 không phải là đặc sắc

Mới đây, Công ty Nghiên cứu thị trường GfK đã chính thức công bố kết quả khảo sát các nhãn hiệu dẫn đầu thị trường Việt Nam năm 2010 ở các ngành hàng điện tử tiêu dùng, điện máy cũng như các sản phẩm công nghệ. So với năm 2009, kết quả khảo sát của GfK cho thấy không có nhiều thay đổi về các nhãn hàng dẫn đầu thị trường.

Nokia tiếp tục dẫn đầu thị trường điện thoại di động Việt Nam, một vị trí mà Nokia đã liên tục nắm giữ trong nhiều năm qua. Mặc dù GfK không công bố các con số chi tiết của các nhãn hiệu trên thị trường điện thoại di động, nhưng theo giới kinh doanh thì các thương hiệu điện thoại di động do doanh nghiệp Việt Nam phát triển như Q.Mobile, Fmobile đã có những bước tăng trưởng đáng kể, gây áp lực lên thị phần của các thương hiệu lớn. Tương tự ngành điện thoại di động, nhiều ngành hàng khác như lò vi sóng (Sanyo), màn hình máy tính (Samsung), máy điều hòa không khí (Panasonic), máy tính để bàn (Compaq)... cũng không có sự thay đổi về vị trí quán quân trên thị trường.

Cuộc soán ngôi nổi bật nhất thuộc về Acer, khi nhãn hàng này chính thức vượt qua HP để dành vị trí quán quân trên thị trường máy tính xách tay. Vị trí dẫn đầu của Acer tỏ ra rất vững chắc khi nhãn hàng này có đến ba sản phẩm nằm trong số mười sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường Việt Nam trong năm qua.

Ngược lại, HP không những đánh mất vị trí dẫn đầu, mà hãng này cũng không có bất cứ sản phẩm nào nằm trong số mười sản phẩm bán chạy nhất trong năm. Dell cũng tạo được dấu ấn đáng kể trên thị trường máy tính xách tay năm 2010 khi ba vị trí thứ bảy, thứ tám và thứ chín của nhóm mười sản phẩm bán chạy nhất đều thuộc về thương hiệu này. Nhãn hàng “anh em” của HP là Compaq tuy đứng đầu bảng trên thị trường máy tính để bàn nhưng chỉ có một sản phẩm duy nhất nằm trong danh sách mười sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường máy tính xách tay.

Bên cạnh đó, do có sự thay đổi về tiêu chí nghiên cứu, nên đã có sự thay đổi kết quả ở một số ngành hàng.

Năm 2009, vị trí quán quân ngành hàng máy ảnh kỹ thuật số thuộc về Canon. Trong năm 2010, ngành hàng máy ảnh kỹ thuật số đã được chia thành hai nhóm là máy ảnh kỹ thuật số du lịch do Sony dẫn đầu và máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời do Canon dẫn đầu. Tuy nhiên, tính chung cho cả ngành máy ảnh kỹ thuật số thì Sony tạo được ấn tượng tốt khi có đến bốn sản phẩm nằm trong số mười sản phẩm bán chạy nhất, trong khi Canon chỉ có ba. Các sản phẩm máy ảnh kỹ thuật số của Sony chiếm lĩnh các vị trí thứ nhất, nhì, bảy và chín, còn các sản phẩm của Canon chiếm ba vị trí liên tục là bốn, năm và sáu.

Sự thay đổi cách thức đánh giá cũng xuất hiện trong ngành hàng máy in. Năm 2009, GfK đã phân chia máy in thành hai ngành hàng nhỏ là máy in đa chức năng và máy in đơn chức năng với vị trí quán quân lần lượt thuộc về HP và Canon. Trong kết quả nghiên cứu năm 2010, GfK lại phân chia máy in thành hai ngành hàng là máy in phun và máy in laser. Với sự thay đổi cách thức phân chia như trên, Canon đã dẫn đầu thị trường máy in laser và Epson đứng đầu thị trường máy in phun, trong khi HP lại mất tên ở ngành hàng máy in nói chung bên cạnh ngành hàng máy tính xách tay.

Cũng theo số liệu nghiên cứu của GfK, hầu hết các ngành hàng đã không có được những con số tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, sản phẩm máy tính để bàn tiếp tục cho thấy những dấu hiệu của sự bão hòa. Số lượng máy tính để bàn bán ra đã giảm từ 531.520 máy năm 2009 xuống 438.250 máy năm 2010.

Mặc dù không bị giảm sút nhưng ngành hàng máy thiết bị văn phòng có sự tăng trưởng khá chậm. Ví dụ như ngành hàng máy in chỉ tăng trưởng khiêm tốn, từ mức 223.000 máy bán ra trong năm 2009 tăng lên 227.000 máy năm 2010, hay dòng máy in đa chức năng cũng chỉ tăng trưởng từ mức 53.000 máy bán ra năm 2009 lên 54.800 máy trong năm 2010.

Thị trường máy ảnh kỹ thuật số có phần tươi sáng hơn khi lượng tiêu thụ của tháng 12-2010 đạt đến 38.600 máy so với con số 31.900 máy của tháng 12-2009. Sự tăng trưởng chỉ thực sự ấn tượng ở ngành hàng máy tính xách tay và các loại màn hình tivi LCD, plasma. Số lượng máy tính xách tay bán ra đã tăng nhanh từ con số 31.180 chiếc của tháng 12-2009 lên 51.960 chiếc trong tháng 12-2010. Hay tổng số màn hình LCD và Plasma cũng tăng gần 50%, từ mức 104.000 chiếc bán ra trong tháng 12-2009 lên 149.000 chiếc trong tháng 12-2010

TBKTSG
26/04/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Doanh số bán vàng giảm mạnh trong quý một
      Hâm nóng World Cup bằng quảng cáo bất hủ của Nike
      Công thức thành công “3 chữ C”
      Tiểu thương trên mạng xã hội
      Vẫn còn nhiều việc phải làm
      Giá vàng thế giới tăng nhẹ, trong nước đứng im
      Giải pháp chuyển tải tính cách thương hiệu