Welcome
Bảo vệ thương hiệu: Chắc từ đầu
Các thương hiệu lớn, nổi tiếng cần được đăng ký bảo hộ một cách đầy đủ. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, khẳng định và quảng bá thương hiệu của mình; mặt khác, luôn theo dõi và tìm cách xử lý các vi phạm đối với nhãn hiệu đang sở hữu

Đã có rất nhiều vụ tranh chấp và kiện tụng về vi phạm thương hiệu giữa các DN Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các vụ kiện này đều phải kéo dài và rơi vào bế tắc khi không thể dứt điểm được thắng thua. DN bức xúc nhưng cơ quan quản lý cũng mệt mỏi với những vụ kiện kiểu này.

Tuy nhiên, gần đây, đã có những vụ kiện giành được thắng lợi một cách nhanh chóng và có thể thành kinh nghiệm cho các DN khác.

Chưa xử đã xin tha

Mới đây, Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ Niềm Tin Việt đã giành thắng lợi nhanh chóng trong việc xử lý dứt điểm các hành vi xâm phạm nhãn hiệu và bảo vệ thành công thương hiệu TONMAT của mình.

Đây là thương hiệu của sản phẩm tôn cách âm, cách nhiệt chống nóng đầu tiên và được đánh giá có chất lượng. Từ nhãn hiệu sản phẩm của một DN, TONMAT còn được dùng để gọi như tên chung cho dòng sản phẩm tôn chống nóng trên thị trường Việt Nam. Sự nổi tiếng và ăn nên làm ra của Niềm Tin Việt với sản phẩm này đã khiến DN và sản phẩm của họ trở thành đối tượng bị nhiều DN đi sau cố tình làm nhái, làm giả... vi phạm nhãn hiệu và xâm hại thương hiệu.

Trong số đó phải kể đến Công ty TNHH sản xuất Long Giang sản xuất và phân phối ra thị trường sản phẩm gắn nhãn "TONMATVIET". Theo đó, Long Giang không những sử dụng nguyên chữ "TONMAT" rồi thêm vào đó chữ "VIET" với cách bố trí, cấu trúc và sử dụng các gam màu tương tự như của nhãn hiệu TONMAT.

 

 

Xác định đây là hành vi cố ý gây sự nhầm lẫn về thương hiệu cho người tiêu dùng giữa TONMATVIET và TONMAT, xâm phạm nhãn hiệu TONMAT đã đươc bảo hộ và thể hiện tính cạnh tranh không lành mạnh, công ty Niềm Tin Việt đã tiến hành điều tra và nhờ cơ quan thẩm định nhằm xác định sai phạm của Long Giang. Từ đó, có khuyến cáo yêu cầu Long Giang bỏ TONMATVIET, chấm dứt việc dán tem mang nhãn mác nhái thương hiệu TONMAT.

Nhưng mọi cố gắng nhằm bảo vệ thương hiệu không thành công nên đến tháng 12/2010, Niềm Tin Việt đã làm đơn gửi TAND TP. Hà Nội kiện Long Giang buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm nhãn hiệu TONMAT trên các sản phẩm; đổi tên "TONMATVIET" thành một tên gọi khác không gây nhầm lẫn với TONMAT.

Sau hai phiên làm việc tại tòa án, đến ngày 29/3/2011, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên hòa giải đối với hai bên, Long Giang đã  tự rút lui và cam kết sẽ không tiếp tục sử dụng nhãn hiệu TONMATVIET từ 1/4/2011.

Thậm chí, Long Giang còn cho biết từ tháng 10/2010 đã dừng sử dụng thương hiệu nhái này trên các sản phẩm của mình và thay bằng tên khác.

Trước vụ này, một vụ vi phạm khác được xem như một tiền lệ tích cực là Vincom đã nhanh chóng thắng kiện Vincon. Số là, Vincom là một tên tuổi lớn trong ngành bất động sản Việt Nam nhưng một DN khác là Công ty CP Đầu tư Tài chính và BĐS Vincon, mặc dù ra đời sau nhưng lại sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu VINCON để gây ra sự nhầm lẫn - một hành vi cố tình nhằm hưởng lợi trên uy tín và danh tiếng của VINCOM.

Tình huống này buộc Vincom phải khởi kiện Vincon ra tòa.

Chưa đầy một tháng sau khi khởi kiện, kết luận của Chánh Thanh tra Bộ KH-CN khẳng định, Vincon đã có hành vi sử dụng dấu hiệu "VINCON" xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "VINCOM" đang được bảo hộ tại Việt Nam; đồng thời phạt Công ty CP Tài chính và BĐS Vincon 14 triệu đồng. Tiếp theo, Sở KH-ĐT Hà Nội đã yêu cầu công ty này phải đổi tên khác.

Cả hai vự việc liên quan đến hai thương hiệu lớn đều đã giành chiến thắng nhanh chóng trước các đối tượng cố tình vi phạm. Ngoài ý nghĩa đòi lại quyền lợi cho các DN bị hại, bảo vệ các thương hiệu nổi tiếng, các vụ kiện còn mở ra hy vọng về việc xử lý nhanh gọn và dứt điểm các hiện tượng vi phạm nhãn hiều, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Muốn thắng phải chắc

Trước hết, các thương hiệu lớn, nổi tiếng cần được đăng ký bảo hộ một cách đầy đủ. Cụ thể, Niềm Tin Việt đã đăng ký  bảo hộ độc quyền  nhãn hiệu Tonmat từ năm 2004. Trong khi đó, Vincom đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với tên "VINCOM và hình" từ 2005 tại Cục Sở hữu trí tuệ  (SHTT) - Bộ KH-CN.

Việc đăng ký ngay từ đầu đã đảm bảo một cơ sở pháp lý vững chắc cho các DN sở hữu nhãn hiệu.

Thực tế, sau khi đưa các vụ việc ra khởi kiện, đây chính là yếu tố quyết định đảm bảo chắc thắng. Vincom đăng ký từ năm 2005, còn Vincon mới chỉ nộp một đơn duy nhất tại Cục SHTT vào ngày 10/2/2010 nhưng không có khả năng được cấp chứng nhận. Còn Niềm Tin việt đã đăng ký nhãn hiệu TONMAT từ 2004, trong khi TONMATVIET của Long Giang thì hoàn toàn không có một cơ sở pháp lý nào.
 
Song song với đó, trong quá trình sản xuất kinh doanh, một mặt các DN chủ thương hiệu luôn quan tâm khẳng định và quảng bá thương hiệu của mình; mặt khác, các DN này luôn quan tâm theo dõi và tìm cách xử lý các vi phạm đối với nhãn hiệu đang sở hữu.
 
Vincom, khi phát hiện Vincon nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu ở cơ quan quản lý ngay lập tức có đơn phản đối khiến cho Vincon gần như không có khả năng được chấp nhận. Sau đó, với đội ngũ tư vấn pháp lý của mình, tập đoàn liên tục có những phản hồi trước công luân khi có những nhầm lần.
 

Vincom còn có những thông báo, cảnh báo tới đối thủ về việc cố tình gây nhẫm lẫn và yêu cầu đổi tên. Thậm chí, còn tạo cơ hội để hai bên thỏa thuận giải quyết.

Tương tự, Niềm Tin Việt, khi phát hiện thấy các sản phẩm và nhãn hiệu của mình bị xâm hại đã lập tức có những điều tra và phát hiện các đối tượng cố tình xâm hại.

Khi phát hiện ra Long Giang với nhãn hiệu TONMATVIET, Niềm Tin Việt đã liên hệ với Viện khoa học SHTT thuộc Bộ KH-CN - cơ quan để thẩm định và có được kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền khẳng định Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Long Giang "có hành vi vi phạm" về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Từ đó, Niềm Tin Việt có văn bản gửi Long Giang khuyến cáo và yêu cầu Long Giang gỡ bỏ dấu hiệu TONMATVIET trên sản phẩm tấm lợp, chấm dứt việc dán tem mang nhãn mác nhái thương hiệu TONMAT

Niềm Tin Việt còn có các khuyến cáo tới các đại lý bán hàng, cảnh báo với khách hàng và phối hợp với cả cơ quan quản lý thị trường để yêu cầu được bảo vệ nhãn hiệu hợp pháp của mình.

Đây là một quá trình theo đuổi dài hơi, với rất nhiều thủ tục và công việc phải giải quyết đòi hỏi DN phải có sự hiểu biết hoặc được tư vấn tốt về luật pháp. Có sự kiên trì và giải pháp thích hợp để theo đuổi. Thậm chí, quá trình kéo dài hàng năm trời những vẫn cần thiết để cho đối tượng cố tình xâm hại nhận thấy vấn đề hoặc rút lui sớm hoặc càng bộc lộ rõ sự cố tình vi phạm của họ.

Và cuối cùng khi mọi việc không được như mong muốn, các DN phải tìm kiếm một phương án quyết liệt nhất là kiện ra tòa để đòi hỏi quyền lợi

VEF
22/04/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Làm mới ngôn ngữ hữu hình của thương hiệu
      Siêu thị Metro tính giá sai cho khách hàng
      Apple trở thành thương hiệu gây ảnh hưởng nhất
      Kích du lịch bằng Internet
      Nhiều hãng xe ô tô đồng loạt giảm giá
      Sử dụng mùi hương trong xây dựng thương hiệu
      Thâm hụt thương mại Mỹ cao nhất trong 18 tháng