Welcome
Chè Ba Vì chính thức có thương hiệu
Việc xây dựng thành công thương hiệu “Chè Ba Vì” là cơ hội quý để Ba Vì đẩy mạnh hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu và tăng thu nhập cho người trồng chè trên địa bàn.
Cây nông nghiệp chính

Với lợi thế đất đai và khí hậu thuận lợi để phát triển cây chè, huyện Ba Vì nhiều năm nay đã cố gắng xây dựng thương hiệu chè Ba Vì với mục tiêu đưa cây chè trở thành cây nông nghiệp chính của huyện.
 
Diện tích chè của toàn huyện hiện đã tăng lên gần 1.700 hecta, năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha. Trong đó diện tích chè từ 10 đến 20 tuổi chiếm tỉ lệ lớn nhất (trên 50%); chè từ 3 đến 10 tuổi chiếm trên 25%, còn lại chè trồng mới và chè trên 20 tuổi chiếm diện tích nhỏ. Năm 2009, toàn huyện đã sản xuất được gần 3.000 tấn chè, tổng giá trị đạt khoảng 160 tỷ đồng.

Các giống chè chủ yếu được trồng tại Ba Vì hầu hết là chè trung du lá nhỏ (chiếm trên 60% diện tích), chè Ô long, chè Kim tuyên. Năng suất chè búp tươi đạt bình quân 76 tạ/ha/năm. Tổng sản lượng chè toàn huyện đạt gần 13 nghìn tấn/năm. Trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có 6 nhà máy chế biến chè và hàng trăm cơ sở chế biến thủ công. Trong đó lượng chè dùng XK chiếm khoảng 50 – 60%, chủ yếu là sang thị trường Nhật Bản, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Anh, Trung Đông... với các sản phẩm chính là chè xanh và chè đen.

 
Theo kế  hoạch, đến năm 2020, huyện này đề ra chiến lược xây dựng 3 vùng chè lớn mạnh gắn liền với các vùng du lịch sinh thái trong huyện gồm vùng chè Ba Trại, Vân Hòa – Yên Bài và Minh Quang – Khánh Thượng, đưa sản lượng chè lên 3 vạn tấn chè búp tươi, XK 4.000 tấn chè các loại mỗi năm...Ở “thủ phủ chè” xã Ba Trại hiện có khoảng 80% số hộ dân SX chế biến chè búp khô với diện tích trồng chè gần 500ha, chiếm 1/3 diện tích cây chè toàn huyện. Xã có 9/9 thôn được công nhận là làng nghề chế biến chè búp khô.

Cây chè đang trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo, đưa lại nguồn thu nhập chính và ổn định cho hơn 10.000 người làm việc trong các nông trường, công ty chè và các hộ gia đình trong huyện, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngày càng lớn.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì ông Hà Xuân Hưng cho biết sẽ ưu tiên hàng đầu cho thủy lợi và giao thông để phát triển cay chè trong thời gian tới.Đi đôi với quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, huyện Ba Vì đang khuyến khích DN vào đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cũng như công nghệ chế biến chè thương phẩm. Ngoài lượng chè được sấy khô tại các hộ dân, hiện đã có 6 NM thu mua và chế biến chè đầu tư vào Ba Vì với tổng sản lượng trên 2.000 tấn/năm.

Đã có thương hiệu

Mặc dù chè xuất khẩu ra nước ngoài chiếm 50 – 60% sản lượng chè của toàn huyện, nhưng từ trước đến nay, chè Ba Vì vẫn phải sử dụng nhiều tên gọi khác nhau, không thống nhất do chưa có thương hiệu chính thức. Bao nhiêu năm nay, người dân Ba Vì rất mong loại cây nông nghiệp chính của mình được công nhận thương hiệu trên thị trường.
 
Và việc chè Ba Vì được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu hôm 1/10 vừa qua là niềm vui, niềm hân hoan lớn của bà con. Điều này sẽ tạo ra cơ hội mới để đẩy mạnh sản xuất, chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn huyện, đặc biệt nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy xuất khẩu chè ra ngoài nước.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì đã có một số doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu chè có quy mô lớn như Cty CP Thái Hà, Cty TNHH  Chè Đại Hưng...,đặc biệt phải kể đến Cty CP Việt Mông (tiền thân là Nông trường quốc doanh Ba Vì, sau này là Cty CP Giống gia súc Việt Mông). Cty này hiện đã xây dựng được vùng nguyên liệu hàng nghìn hecta và lắp đặt Nhà máy sản xuất chè đen, chè mạn với công suất chế biến trên 40 tấn chè/ngày. Dự tính, Cty sẽ nâng diện tích chè lên thêm 500 ha, bổ sung thêm 2 dây chuyền sản xuất các loại chè đóng chai và chè túi lọc với tổng công suất 70 tấn/ngày. Động thái này cho thấy tiềm năng phát triển của vùng chè Ba Vì trong tương lai sẽ là rất lớn.

UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, huyện đang đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ nông dân các xã miền núi đầu tư giống, vốn, xây dựng hệ thống thủy lợi, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ để phát triển vùng nguyên liệu chè, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đến thời điểm này, Ba Vì có 1.650 ha trồng các giống chè: Ô Long, Kim Tuyên, trung du lá nhỏ, tập trung chủ yếu ở các xã miền núi Ba Trại, Khánh Thượng, Minh Quang, Vật Lại, Vân Hòa…, cho sản phẩm chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
15/10/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Bài toán “lạm phát - lãi suất”: Luẩn quẩn chưa thấy lối ra
      Bắt chủ cây xăng ‘uống trộm’ 4.000 – 5.000 lít/ngày
      Những cuộc chia tay trong vương quốc mạng xã hội
      Có nên vay tiền mua nhà?
      Lãi suất bình quân liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm
      Doanh nghiệp lo mắc kẹt vì “trên chưa thông”
      Ra mắt kênh truyền hình mua sắm hàng Việt