Welcome
Tỷ giá tính thuế nhập khẩu : Mâu thuẫn từ… văn bản quy phạm
Ngân hàng nhà nước vừa công bố thay đổi tỷ giá USD với đồng VN. Tuy nhiên, điều các DN băn khoăn là việc quy định tỉ giá tính thuế đối với hàng hoá NK hiện nay còn mâu thuẫn, dễ dẫn gian lận và… làm khó DN.
 

Các DN phản ánh, quy định giữa Nghị định 149/2005/NĐ-CP và Thông tư 79/2009/TT-BTC hiện có một số điểm chưa thống nhất: Tại khoản 2, Điều 98 Thông tư 79/2009/TT-BTC quy định: “ Trường hợp người nộp thuế kê khai trước ngày đăng ký tờ khai hải quan thì tỷ giá tính thuế được áp dụng theo tỷ giá tại ngày người nộp thuế đã kê khai, nhưng không quá ba ngày liền kề trước ngày đăng ký tờ khai hải quan”. Theo quy định này, nếu DN đã kê tờ khai trước ngày đăng ký tờ khai thì được sử dụng tỷ giá công bố của ngày kê khai để tính thuế nhưng không quá 3 ngày liền kề trước ngày đăng ký tờ khai. Tuy nhiên, Khoản 3, Điều 7 Nghị định 149/2005/NĐ-CP quy định “Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với tiền nước ngoài dùng để xác định giá tính thuế là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước VN công bố tại thời điểm tính thuế được đăng trên Báo Nhân dân, đưa tin trên trang điện tử hàng ngày của Ngân hàng nhà nước VN; trường hợp vào các ngày không phát hành Báo Nhân dân, không đưa tin lên trang điện tử hoặc có phát hành, có đưa tin lên trang điện tử nhưng không thông báo tỷ giá hoặc thông tin chưa được cập nhật đến cửa khẩu trong ngày thì tỷ giá tính thuế của ngày hôm đó được áp dụng theo tỷ giá tính thuế của ngày liền kề trước đó”. Như quy định này thì người nộp thuế chỉ được phép sử dụng tỉ giá để tính thuế là tỉ giá công bố của ngày đăng ký tờ khai và chỉ những trường hợp cơ quan hải quan không có hoặc không thể có tỷ giá của ngày đăng ký tờ khai thì mới được phép sử dụng tỷ giá công bố của ngày liền kề trước đó.

Rõ ràng đây là mâu thuẫn giữa Thông tư 79/2009/TT-BTC và Nghị định 149/2005/NĐ-CP trong quy định về tỉ giá tính thuế hàng NK. Căn cứ khoản 2, Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng căn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn” thì văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn là quy định tại Điều 7 Nghị định 149/2005/NĐ-CP.

Tỉ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định giá tính thuế là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm tính thuế.

Mâu thuẫn giữa Thông tư 79/2009/TT-BTC và Nghị định 149/2005/NĐ-CP trong quy định về tỷ giá tính thuế hàng nhập khẩu dẫn tới một hiện tượng: cùng một mặt hàng và cùng nhập khẩu vào một thời điểm, nhưng hai lô hàng A và B nhập khẩu qua cửa khẩu Hải Phòng và cửa khẩu Lào Cai có khi lại được tính thuế theo hai tỷ giá khác nhau!

Ví dụ, ngày 17/8/2010, khi Ngân hàng nhà nước thực hiện điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD áp dụng cho ngày 18/8/2010 từ mức 18.544 VND lên mức 18.932 VND (tăng gần 2,1%). Nếu vào ngày này, DN đăng ký nhập vài lô hàng lớn như sắt thép, đặc biệt là dầu thô thì số thuế chênh lệch đã là tiền tỷ so với chỉ một ngày trước đó.

Được biết, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu thay cho Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 8/12/2005, có hiệu lực từ 1/10/2010. Theo đó, tỉ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định giá tính thuế là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm tính thuế.

Hi vọng từ 1/10 tới đây, tỷ giá tính thuế nhập khẩu sẽ được thống nhất một mối, giảm nỗi thắc thỏm triền miên của các DN nhập khẩu khi tỷ giá đổi thay…

01/09/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Kinh doanh dựa vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng
      MTXT Samsung R480: Lôi cuốn bên ngoài - Mạnh mẽ bên trong
      "Bí kíp" dẫn đầu thị trường TV của Samsung
      Nhà giàu vẫn đổ tiền vào hàng xa xỉ
      Giải bài toán vốn : Doanh nghiệp phải tự cứu mình
      Hàng loạt doanh nghiệp "sốc thuốc" lãi suất
      Thực hư chuyện Công ty Phát Đạt “phá sản”