Welcome
“Bắt mạch” ngân hàng
Không ít người nhìn nhận Thông tư 13/2010/TT-NHNN như một đòn giáng mạnh vào thị trường chứng khoán vốn đang thiếu những lực đẩy vĩ mô từ đầu năm 2010.
Việc tăng CAR từ 8% lên 9% có ảnh hưởng trước tiên đến các NHTM hiện chưa đáp ứng được tỷ lệ này.

Thông tư 13 (TT 13) quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được chính thức ban hành ngày 20/5/2010 thay thế cho Quyết định 457 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong một phát biểu gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định lại một lần nữa TT 13 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2010 sắp tới, bác bỏ hoàn toàn nhiều thông tin không chính thức cho rằng TT 13 sẽ được hoãn thực hiện. Việc NHNN ban hành TT 13 không nằm ngoài hai mục đích: hạn chế các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia quá “nhiệt tình” vào các hoạt động kinh doanh mang nhiều rủi ro là chứng khoán và bất động sản; nâng cao khả năng thanh khoản của các NHTM. Dưới đây là phân tích cụ thể lần lượt từng điểm thay đổi chính trong TT 13 này.

An toàn vốn

Trước tiên phải đề cập đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) , trung tâm của TT 13.

CAR = Vốn tự có/Tổng tài sản “Có” rủi ro.

Nhìn vào tử số của công thức trên, vốn tự có là phép tính tổng của vốn cấp I và vốn cấp II. So với quy định trước đây trong Quyết định 457, thành phần vốn cấp I và vốn cấp II về cơ bản không có nhiều thay đổi, ngoại trừ ở điểm 2.2 điều 5 của TT 13, theo đó các khoản vốn góp, mua cổ phần của công ty con sẽ bị loại trừ khỏi vốn cấp I. Như vậy ngay tại điểm này, ở một mức độ nào đó, chúng ta đã nhận thấy áp lực thoái vốn khỏi các công ty con đối với các NHTM, các tổ chức tín dụng.Trong khi đó, mẫu số tổng tài sản “Có” rủi ro được tính bằng “tổng tài sản “Có” x hệ số rủi ro tương ứng”. Chẳng hạn, các tài sản thanh khoản cao như tiền, vàng có hệ số rủi ro là 0%, trong khi hệ số rủi ro cho lĩnh vực chứng khoán lên tới 250%. Như vậy, nếu dư nợ vay kinh doanh chứng khoán của một NHTM nào đó tăng thêm 100 tỷ đồng thì đồng nghĩa với mẫu số tính CAR sẽ tăng thêm 250 tỷ. Cách tính mẫu số này không có gì mới và thực tế đã được áp dụng từ Quyết định 457, theo đó các khoản vay phục vụ kinh doanh bất động sản bị xếp vào nhóm có hệ số rủi ro cao nhất là 250%. Nhưng, đến Quyết định 03/2008/QĐ-NHNN (năm 2008), các khoản cho vay để đầu tư vốn cũng đã được đưa vào nhóm rủi ro cao này. Với cách tính mẫu số như thế thì cách đơn giản nhất để giảm mẫu số (tăng CAR) đối với các ngân hàng đang có CAR dưới 9% chính là giảm dư nợ trong hai lĩnh vực được coi là tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất của nền kinh tế là chứng khoán và bất động sản. Mặt khác, giờ đây các NHTM cũng dè dặt hơn khi giải ngân vào hai lĩnh vực này vì ngại hệ số rủi ro cao, kể cả các NHTM hiện đã đáp ứng được tỷ lệ 9%, vì hệ số này được hứa hẹn sẽ còn được tiếp tục nâng dần lên trong lộ trình đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Việc tăng CAR từ 8% lên 9% có ảnh hưởng trước tiên đến các NHTM hiện chưa đáp ứng được tỷ lệ này. Theo báo cáo gần đây của Công ty chứng khoán SME, trong số 6 ngân hàng niêm yết, ngay cả hai “ông lớn” Vietcombank và Vietinbank vẫn chưa nâng được CAR lên mức 9% (bảng 1). Để nâng CAR từ 8% lên 9%, ngân hàng phải tăng tử số hoặc giảm mẫu số trong công thức trên, hoặc đồng thời làm được cả hai việc đó.

Để tăng được tử số, các ngân hàng có rất nhiều biện pháp, nhưng hai biện pháp mạnh nhất và đem lại hiệu quả nhanh nhất là tăng vốn điều lệ hoặc thoái vốn khỏi các công ty con, tổ chức tín dụng khác. Đây là nguyên nhân góp phần tạo áp lực khiến hàng loạt ngân hàng đã đạt mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng như yêu cầu của NHNN phải rục rịch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Cả hai biện pháp này vô hình trung đều đem lại một hệ quả tất yếu, đó là sức ép lên phía cung của TTCK trong khi trước mắt chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự xuất hiện của một luồng tiền đủ mạnh đi vào TTCK để “đỡ” lực cung này.

Thay vì cố gắng tăng tử số, nhiều ngân hàng sẽ tập trung nỗ lực vào việc giảm mẫu số, ở đây là giảm tài sản “Có” rủi ro. Như đã phân tích ở trên, cách tính chỉ số gia quyền bằng hệ số rủi ro tự nó hướng các NHTM vào việc giảm nhanh các tài sản có mức độ rủi ro cao nhất, cụ thể là dư nợ kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Áp lực rút tiền ra khỏi thị trường bất động sản và TTCK là có thật, tuy nhiên tác động của nó mạnh đến đâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: CAR hiện nay của các NHTM đang ở mức nào, tỷ trọng vốn đầu tư vào chứng khoán và bất động sản tài trợ bằng vốn vay ngân hàng, tỷ trọng tín dụng cho hai mảng này trong tổng tài sản của ngân hàng, hướng giải quyết của ngân hàng (chọn tăng vốn hay giảm dư nợ rủi ro cao)…

Thanh khoản

Quay lại với một trong hai mục đích quan trọng của TT 13 là đảm bảo khả năng thanh khoản của các NHTM, nội dung này được phản ánh rõ nhất tại điều 18 của Thông tư qua tỷ lệ cấp tín dụng.

Tỷ lệ cấp tín dụng = Tín dụng/Nguồn vốn huy động

21 ngân hàng cần phải tăng vốn lên mức 3.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm nay

Theo quy định tại điều 18, tỷ lệ này phải được duy trì ở mức 80% trở xuống – một tỷ lệ hoàn toàn bình thường mà mọi ngân hàng đều đang phải đáp ứng. Song đáng chú ý ở đây, nguồn vốn huy động sử dụng để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác, trong khi những nguồn này thường chiếm đến 15% tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Như vậy cứ 100 đồng vốn huy động được, ngân hàng chỉ được cho vay khoảng 65-70 đồng, phần không được phép cho vay lại là phần có lãi suất rất thấp.

Hãy làm một phép tính đơn giản. Giả dụ ngân hàng X huy động được tổng cộng 100 tỷ đồng với lãi suất bình quân 10,5%/năm và có khả năng cho vay ra 70% con số này (70 tỷ đồng). Như vậy chi phí đầu vào ít nhất cũng đã là 10,5 tỷ + 2,1 tỷ chi phí chung = 12,6 tỷ đồng, vậy để ít nhất không lỗ ngân hàng bắt buộc phải cho vay ra với lãi suất không thấp hơn 18%/năm. Nhưng với mức lãi suất đi vay như thế, rất ít doanh nghiệp làm ăn có lãi. Trong khi đó, nếu không bị hạn chế như ở điểm 3 điều 18, ngân hàng có thể đưa ra mức lãi suất chỉ 15,75%/năm.

Như vậy, quy định mới về khả năng thanh khoản của các NHTM không những không tạo tiền đề cho việc giảm lãi suất mà thậm chí còn có khả năng góp phần “ủng hộ” việc tăng mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian sắp tới. Cho dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn còn xa, khả năng tăng mặt bằng lãi suất cho vay do đó là không cao, song với sức ép chi phí vốn như thế, mặt bằng lãi suất cũng rất khó giảm.

Tương lai cổ phiếu ngân hàng

Nguyên tắc cơ bản của tài chính là khả năng thanh khoản thường tỷ lệ nghịch với khả năng sinh lời. Với TT 13, NHNN muốn tăng cường khả năng thanh khoản cho toàn bộ hệ thống ngân hàng vốn được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Tuy nhiên, áp lực từ việc giảm tỷ lệ cho vay dẫn đến chi phí vốn đầu vào tăng lại không thể được bù đắp bằng cách tăng lãi suất đầu ra. Với tỷ trọng khoảng 80% doanh thu của các NHTM hiện nay đến từ mảng tín dụng, tác động thắt chặt từ TT 13 sẽ làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận biên của các NHTM, dẫn đến giảm sự hấp dẫn của nhóm cổ phiếu ngành này. Trước áp lực tăng CAR lên 9%, nhiều ngân hàng sẽ không bỏ qua giải pháp tăng vốn điều lệ, thông qua công tác phát hành cổ phiếu ra TTCK như đã nói ở trên. Áp lực này cùng với việc nhiều NHTM quy mô vốn nhỏ đang đứng trước yêu cầu của NHNN phải tăng vốn điều lệ lên ít nhất 3.000 tỷ đồng hoàn toàn có thể khiến thị trường “lụt” trong nguồn cung chứng khoán ngân hàng vào những tháng cuối năm. Dưới áp lực cung như vậy, đi kèm với nguy cơ giảm lợi nhuận, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ mất dần đi tính hấp dẫn, ít nhất là trong ngắn hạn. Từ đầu năm đến nay, trong khi VNIndex chỉ giảm 10,35% thì nhóm các cổ phiếu ngân hàng đều mất giá từ 18,71% đến 32,26% (bảng 2).

Về dài hạn, tài chính – ngân hàng vẫn là ngành then chốt của nền kinh tế, tầm quan trọng của nó là không thể phủ nhận. Sau thời kỳ có tính chất chuyển giao này, nhiều ngân hàng có thể sẽ đi vào quỹ đạo phát triển ổn định bền vững. Chính vì vậy, các nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn nên duy trì nhóm cổ phiếu này trong danh mục quan tâm.
 

Yêu cầu NHNN kiểm tra rà soát các nội dung báo chí nêu liên quan đến Thông tư 13

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5799, 5801/VPCP – TH truyền đạt một số nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có liên quan đến Thông tư số 13/2010/TT-NHNN do NHNN ban hành. Trước những thông tin đăng tải trên một số báo phản ánh ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổng hợp kiến nghị của các NHTM thành viên về một số quy định ”bất cập” trong Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 25/5/2010 của NHNN (các điều 5, 16, 18…)  có ”ảnh hưởng lớn” đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu NHNN kiểm tra, rà soát các nội dung báo chí nêu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp xử lý trước ngày Thông tư số 13 có hiệu lực thi hành (01/10/2010).

31/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Sản phẩm công nghệ thông tin Việt: chật vật đường ra
      Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng thấp do giá cao
      Những ngày Việt Nam tại Trung Quốc 2010
      Đến lượt mì gói bị nghi chứa DEHP
      Định giá thương hiệu
      Gạo Việt chiếm lĩnh Hong Kong
      Chất tạo đục chứa DEHP có thể nằm ở phần gia vị của gói mì