Welcome
Dự án xử lý rác tại huyện Đất Đỏ : Vướng vì… đơn vị tính toán
Gần 1 năm kể từ khi được UBND tỉnh BR-VT chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xử lý, tái chế rác thải thành dầu diesel, phân vi sinh tại xã Láng Dài – huyện Đất Đỏ, đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai do bị vướng một mối thắt rất nhỏ.

Rác thải chôn tại Khu xử lý rác thải tập trung Tóc Tiên

Điều đáng nói là chủ đầu tư là công ty TNHH một thành viên công nghệ môi trường Tân Phát đã hoàn tất thiết kế, thẩm định công nghệ, chuẩn bị vốn, sẵn sàng khởi động xây dựng nhà máy, huyện Đất Đỏ cũng đã hoàn tất phương án đền bù giải phóng mắt bằng.

Dự án được chờ đợi

Ngày 3/7/2009, công ty TNHH một thành viên Công nghệ môi trường Tân Phát (gọi tắt là Công ty Tân Phát) có văn bản xin chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý và tái chế rác thải thành dầu diesel, phân vi sinh tại xã Láng Dài – huyện Đất Đỏ để xử lý rác thải của ba huyện: Đất Đỏ, Long Điền và Xuyên Mộc. Đây là một dự  án cấp thiết trên lĩnh vực môi trường nên UBND tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư. Ngày 23/9/2009, UBND tỉnh đã có văn bản số 6094 chấp thuận chủ trương cho Công ty Công nghệ môi trường Tân Phát nghiên cứu, khảo sát, lập dự án  đầu tư xây dựng nhà máy.

Ngay sau khi có chủ trương cho phép đầu tư, Công ty Tân Phát đã tiến hành và hoàn thành các bước như: Lập dự án, thỏa thuận địa điểm; Thẩm định công nghệ… Công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 300 tấn/ngày, giai đoạn 2 là 600-1.000 tấn/ngày. Hồ sơ của dự án đã được trình để xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, để xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và tiến hành các bước tiếp theo như: đền bù giải phóng mặt bằng, xin phép xây dựng, và khởi công dự án. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 500 tỷ đồng, được đầu tư, chuyển giao công nghệ theo phương thức chìa khóa trao tay (có nghĩa là nhà máy được lắp ráp, vận hành đạt các yêu cầu kỹ thuật, chuyển giao công nghệ). Theo cam kết của công ty, chỉ khoảng 18 tháng thi công dự án sẽ hoàn thành và nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động với công suất giai đoạn 1 là 300 tấn.

Công nghệ được sử dụng cho dự án là công nghệ tiên tiến của Đức. Quy trình xử lý rác thực hiện trên dây chuyền khép kín: tiếp nhận,  phân loại để loại bỏ các chất trơ. Phần hữu cơ sẽ được chuyển đến máy nghiền, cấp hạt thích hợp từ 2 -3 cm trước khi được đưa đến xưởng ủ nóng ở nhiệt độ (50 – 700C), Sau 4 tuần ủ nóng nguyên liệu được đưa qua máy sàng với mắt lưới sàng 40 mm để tách các nguyên liệu có cấp hạt khác nhau, phần thô sẽ được chuyển lại máy nghiền, phần thu được lọt xuống sàn sẽ được đưa đến xưởng ủ nguội kéo dài khoảng 4 – 6 tuần. Kết thúc quá trình ủ nguội, nguyên liệu được chuyển đến máy sàng tinh với mắt lưới sàng 15 mm. Phần nguyên liệu mịn đạt tiêu chuẩn được chuyển sang khu vực đóng bao, còn phần có cỡ hạt lớn được xử lý trở lại khu vực ủ nóng.

Vẫn trên giấy

Qua tìm hiểu PV được biết, dự án nhà máy xử lý, tái chế rác thải thành dầu diesel, phân vi sinh tại xã Láng Dài – huyện Đất Đỏ, đã được Sở Xây dựng chấp thuận thỏa thuận địa điểm tại văn bản số 2659 tháng 11/2009. Diện tích chiếm đất của nhà máy khoảng 20 hecta ngay cạnh nghĩa địa huyện Đất Đỏ. Tháng 1/2010, dự án được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, thông qua công nghệ xử lý rác thải, công suất xử lý là 300 tấn rác/ngày. Tháng 5/2010, Chủ đầu tư nộp hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lên Sở Tài nguyên môi trường xem xét phê duyệt. Ngày 9/6/2010, sở này tổ chức thông qua báo cáo ĐTM của dự án. Đến khi đó, nhà đầu tư mới “té ngửa” khi  được biết tháng 4/2010, sở Tài nguyên môi trường đã có tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh chỉ cho phép công suất dự án này là 300 m3/ngày thay vì 300 tấn/ngày như dự án ban đầu đã lập, và UBND tỉnh cũng đã chấp thuận như  vậy. Trước thực tế này, ngày 10/6/2010, chủ đầu tư đã có văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường và tỉnh xem xét lại vì sự chênh lệch giữa 300 tấn/ngày với 300 m3/ngày là rất lớn (1 m3 rác chỉ tương đương với 0,48 đến 0,5 tấn, như vậy, 300 m3 chỉ tương đương 150 – 180 tấn/ngày. Hơn nữa, theo nguyên tắc, rác là chất thải rắn phải được tính bằng đơn vị tấn, chỉ chất lỏng mới tính theo đơn vị m3). Sự sai sót này gây ra bất hợp lý về mặt kỹ thuật, không bảo đảm tính hiệu quả kinh tế của dự án, và không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Lúc đó sở TNMT lại quay trở lại yêu cầu các địa phương báo cáo lượng rác thải thực tế của địa bàn mình để tính toán nhu cầu về xử lý rác. Số liệu thống kê các địa phương đưa về lên tới 320 tấn/ngày, vượt 20 tấn so với công suất của nhà máy. Khi đó, (ngày 16/7/2010), Sở Tài nguyên môi trường mới làm văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉnh sửa công suất của nhà máy từ 300 m3/ngày sang 300 tấn/ngày. Ngày 16/8/2010, chủ đầu tư lại có  văn bản khẩn đề nghị tỉnh sớm giải quyết để có thể đẩy được tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên đến nay UBND tỉnh cũng chưa có phản hồi.
31/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Doanh nghiệp bán hàng qua truyền hình lại vi phạm
      Nhà thuốc đạt chuẩn cũng bán thuốc quá "đát"
      Doanh nhân nữ Việt Nam nhạy bén với thương mại điện tử
      Xu hướng tiêu dùng 2012
      S-Fone cung cấp dịch vụ Internet di động trả trước
      100 triệu euro cho phục hồi kinh tế ở Việt Nam
      Trắng tay vì bán hàng đa cấp