Welcome
Xã Vị Thanh – Diện mạo nông thôn mới
Căn cứ 13 tiêu chí của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, sau 5 năm tập trung xây dựng, vừa qua (19/08/2010), xã Vị Thanh đã chính thức được công nhận là xã Nông thôn mới đầu tiên của huyện Vị Thủy. Quá trình xây dựng mô hình thí điểm xã Nông thôn mới Vị Thanh, diện mạo và đời sống người dân ở một xã thuần nông đã thay đổi rõ rệt.

Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang trao chứng nhận cho Bí thư và chủ tịch xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy

Bước chuyển từ nền tảng nông nghiệp

Khi bắt tay xây dựng thí điểm mô hình Nông thôn mới (NTM) năm 2006, hạ tầng kinh tế-xã hội của Vị Thanh vẫn là xã “thuần nông”, trình độ canh tác và đời sống của người nông dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Dù có sự quan tâm của những năm 2005 trở về trước, nhưng vào năm 2006, hệ thống thủy lợi cũng mới khép kín khoảng 85% trong 1.868,42 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2010, hệ thống kênh thủy lợi và đê bao của xã tương đối hoàn chỉnh đảm bảo phục vụ công tác tưới tiêu, khép kín trên 1.400 ha, chiếm trên 95% tổng diện tích. Đồng thời đảm bảo an toàn cho việc nuôi trồng và phát triển thủy sản, thúc đẩy diện tích nuôi thủy sản từ 190ha tăng lên 200ha. Ngoài ra, xã còn được đầu tư thệm 1 trạm bơm điện và 1 trạm bơm dầu phục vụ bơm tưới 70ha diện tích trồng lúa phần diện tích chưa khép kín thủy lợi; hỗ trợ nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhờ vậy đến nay toàn xã Vị Thanh đã có hơn 98% diện tích lúa được áp dụng phương pháp sạ hàng, trên 90% diện tích được áp dụng các chương trình IPM, chương trình 3 giảm – 3 tăng; công tác cơ giới hóa trong thu hoạch cũng có nhiều tiến bộ. Phong trào sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả, từ chỗ chỉ với 1 câu lạc bộ khuyến nông, hiện xã Vị Thanh đã có được 4 CLB khuyến nông (gồm: 1 CLB nhân lúa giống sử dụng 54 ha đất, cung cấp đủ giống lúa xác nhận cho toàn xã; 1 CLB nuôi trồng thủy sản với 2 ha nuôi cá bống tượng; 1 CLB KN; 1 Tổ nhân dân liên kết) và 1 HTX nông nghiệp. Đây là những bước đổi mới đầu tiên, khuyến khích bà con nông dân tham gia làm ăn tập thể nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp. Đồng thời cũng khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ các HTX và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế.

Chuyển biến nổi bật nhất của xã sau 5 năm là về cơ cấu kinh tế và giá trị sản xuất. Khu vực nông nghiệp giảm 4,5% (từ 65% xuống 61,5%); khu vực công nghiệp-tiểu thủ CN tăng 7,2% lên 8,72% và thương mại-dịch vụ tăng 27,8% lên 29,78% là chuyển dịch chưa lớn nhưng bền vững. Cùng thời gian, giá trị sản xuất tăng trưởng 10,5%/năm để tạo ra bước nhảy từ 7% lên 12,5% là minh chứng cụ thể cho sự tiến bộ.   

Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển hàng trăm cơ sở xay xát, sấy lúa, trồng và chế biến nấm rơm, dịch vụ cơ khí, điện gia dụng, điện tử, hàn tiện… tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương; góp phần tăng thu nhập cho bà con.

Ba năm gần đây, xã đã xây dựng thành công hàng chục mô hình sản xuất có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/ha/năm. Hộ ông Lê Văn Buôl - nông dân ấp 7A1 là một điển hình. Không chỉ độc canh cây lúa, ông Buôl cải tạo 5 công ruộng trồng lúa kém hiệu quả thành 3 ao (1 ao lắng và 2 ao nuôi) để nuôi cá thát lát giống và thương phẩm. Mỗi năm, chỉ riêng con cá thát lát đã mang về cho gia đình ông khoản lợi nhuận trên 65 triệu đồng, bên cạnh đó còn thu thêm 100 triệu đồng tiền lãi từ hơn 20 công làm lúa. Nhờ vậy, năm 2006, xã có thu nhập bình quân 7,58 triệu đồng/người/năm, năm 2010 tăng lên gần gấp đôi với 14,697 triệu đồng/người/năm. Đó là kết quả mang nhiều ý nghĩa khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vị Thanh đã biết dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế nông nghiệp vốn có của địa phương để tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích.

Đến hạ tầng nông thôn

Dưới sự đôn đốc của Ban Chỉ đạo xây dựng xả nông thôn mới của huyện, xã vừa tranh thủ sự quan tâm của cấp trên, vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đó, bà con tự nguyện, tích cực đóng góp công sức và tiền bạc cùng nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn. Quá trình đầu tư xây dựng được phân kỳ, thực hiện theo từng giai đoạn và nhu cầu thực tế từng địa bàn phù hợp, có sự tham gia của nhân dân. Nhờ vậy, toàn bộ các tuyến đường từ các ấp về trung tâm xã đều được phủ bê tông/nhựa. Trước đây chỉ có 68% lộ giao thông cho xe 2 bánh đến các nhà thông tin ấp và các xóm, nay xe 4 bánh về đến trung tâm xã và xe 2 bánh tới tận xóm, ấp và từng hộ dân.

Ông Hai Lý (Đàm Văn Lý) - nông dân sống trong vùng sâu ấp 7B2 nhìn nhận: “Ba năm trước đây, đường sá tạm bợ, chỉ được đổ đá cấp phối lại thêm cống đập, cầu khỉ đứt đoạn nên vào mùa mưa, đi bộ còn khó chứ đừng nói đến chạy xe. Phần lớn người dân phải đi lại xuồng ghe là chính; tỷ lệ con em bỏ học cũng nhiều. Còn bây giờ, đường thông thoáng, không những tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường mà mỗi khi bệnh hoạn người dân có thể di chuyển nhanh đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời”.

Và ngày càng khởi sắc

Chưa dừng ở hạ tầng giao thông nông thôn, một trong những điểm nổi bật khác nữa là hạ tầng lưới điện, trường học, trạm y tế, nước hợp vệ sinh cho người dân nông thôn được quan tâm đúng mức. Hiện nay, bà con được xài lưới điện quốc gia, đường bê tông rộng 2,5m phẳng phiu nối liền với các ấp khác trong xã.

Chứng kiến cảnh đổi thay của xóm ấp mình, ông Hai Bảo ở ấp 7B1 cho rằng:“Chính nhờ xây dựng nông thôn mới mà diện mạo nông thôn thay đổi nhanh chóng. Người dân thực sự được thụ hưởng những lợi ích từ những công trình mà Nhà nước đầu tư xây dựng”. Còn ông Hai Lý đánh giá: “Trình độ dân trí, lẫn nhận thức của người dân đã thay đổi rõ nét. Nhờ phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa góp phần làm cho mối quan hệ xóm làng ngày càng gắn bó khắng khít, mọi người cư xử có văn hóa hơn; các tệ nạn xã hội như trộm cắp, nhậu nhẹt, quậy phá giảm đáng kể”.

Chủ tịch UBND xã Vị Thanh, Huỳnh Văn Trắng, tâm sự: Thông qua công tác tuyên truyền, vận động bà con nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng NTM nên đồng tình và tích cực đóng góp sức người, sức của vào quá trình xây dựng xã NTM của địa phương. Đến nay bộ mặt nông thôn xã Vị Thanh ngày càng khởi sắc. Nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội phát triển tích cực, quốc phòng an ninh ổn định.

Đây chính là nền tảng để xã Vị Thanh tiếp tục phấn đấu hoàn thành xã NTM theo 19 tiêu chí Bộ tiêu chí quốc gia, giai đoạn 2010-2015. Đồng thời góp phần đạt chỉ tiêu Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2005-2010, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ 2010-2015 và tiến tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
 
Được biết, ngoài xã Vị Thanh được công nhận xã Nông thôn mới, dịp này, UBND tỉnh Hậu Giang còn công nhận xã Vĩnh Viễn (Long Mỹ) và xã Tân Tiến (thị xã Vị Thanh). Lễ công bố sẽ được tổ chức nhân dịp Hội nghị Thi đua lần 3 của tỉnh diễn ra vào cuối tháng 8/2010.
 
30/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Định giá thương hiệu Việt
      Lexus nằm trong top đầu chuộng tại Anh
      Hội nhập... đúng giờ
      Khánh thành nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á
      Hai phần ba người dùng web dùng Mạng xã hội vào năm 2014
      Khó nhọc tìm đường ra thị trường
      Toys-Rus – Thiên đường đồ chơi của trẻ em