Welcome
Đầu tư cho công nghiệp ôtô : Có dừng lại ?
Gần đây, một vấn đề nóng bỏng đang được dư luận đặc biệt quan tâm là những bất cập trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Một trong những vấn đề đáng chú ý nhất là dù vốn đầu tư nước ngoài lớn, tăng cao qua các năm nhưng việc chuyển giao công nghệ vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”.

Hiện tại, CN ôtô VN mới chỉ chạm tay vào lĩnh vực lắp ráp
 

Ngành công nghiệp ôtô VN được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp gần như sớm nhất thu hút được lượng vốn FDI cao với hàng loạt các tên tuổi lớn của ngành ôtô thế giới như Ford, Toyota, Mercedes – Benz… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có thể nói dù luôn khẳng định VN là thị trường đầy tiềm năng, nhưng có cảm giác như việc đổ vốn đầu tư vào thị trường này vẫn đang thuộc dạng nhỏ giọt và hầu như không một hãng tên tuổi nào tiếp tục có mong muốn đầu tư sâu hơn nữa vào VN. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, hiện tại CN ôtô VN cũng chỉ mới chạm tay vào lĩnh vực lắp ráp và chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Đi sâu hơn nữa, có thể nói đến việc chuyển giao công nghệ lắp ráp có hay không, ở mức độ nào ? Liệu khi các liên doanh rút đi, chúng ta thu lại được gì về việc chuyển giao công nghệ lắp ráp ôtô ?

Cao hay thấp ?

Nói là sớm và có lượng vốn đầu tư FDI lớn, cộng với việc các tên tuổi lớn của ngành ôtô đều có mặt tại VN thì cứ tưởng là chúng ta sẽ có một ngành công nghiệp ôtô phát triển mạnh, sẽ có việc sớm chuyển giao công nghệ theo thời gian tăng dần. Nhưng không phải vậy. Tại sao lại đặt vấn đề cao hay thấp ? Bởi nói là đầu tư FDI vào VN trong lĩnh vực ôtô thực sự sớm, có thể cao vào thời điểm đó, kể cả hiện nay nhưng đúc kết lại thì ngành công nghiệp ôtô của VN đến nay vẫn chỉ là lắp ráp, vẫn chỉ xoay quanh những gì mà họ đã đầu tư ban đầu với công nghệ gần như không có sự thay đổi. Mặt khác, nếu nhìn vào quy mô đầu tư của các tập đoàn, các hãng ôtô đầu tư vào các nước xung quanh thì chúng ta lại càng hụt hẫng hơn và từ đó mới biết rằng việc họ đổ vốn đầu tư vào VN cao hay thấp. Điều này có thể phân biệt được – nói như một chuyên gia là cao với chúng ta nhưng rất thấp so với khu vực. Chỉ lấy một ví dụ đơn thuần so sánh giữa việc đầu tư của các hãng vào Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ có thể thấy luồng vốn đầu tư của lĩnh vực ôtô vào thị trường VN (Dù các hãng, các tập đoàn ôtô thế giới luôn khẳng định tiềm năng, lợi thế của VN là rất lớn.) quá nhỏ nhoi và đứt đoạn, không đúng với tiến trình, cam kết. Và – vẫn tiếp theo lời của một chuyên gia thì có lẽ họ chỉ đầu tư đến thế mà thôi, nhất là khi việc hội nhập về thuế đối với khu vực Afta đang đến gần. Liệu có đúng không?

Vẫn thế

Rất, rất có thể là sẽ đúng như vậy. Tại sao? Nhìn lại quá trình đầu tư của hầu hết các tập đoàn, các hãng ôtô trên thế giới trong khoảng 15 năm qua tại thị trường VN, chúng ta có thể thấy gần như họ không đầu tư thêm tiền, thêm công nghệ mà vẫn chủ yếu dựa vào việc đầu tư ban đầu và chỉ đến thế mà thôi. Trong khi công nghệ lắp ráp, công nghệ sản xuất… ôtô trên thế giới liên tục thay đổi, liên tục tiến triển từng ngày. Vậy thì có thể nói là những công nghệ mới chưa tồn tại ở VN chứ chưa nói đến việc chuyển giao công nghệ.

Thực tế thì cũng có một vài tập đoàn, DN vẫn tiếp tục đầu tư vào VN, nhưng chỉ mới ở dạng hình thức nâng cao và mở rộng dây chuyền sản xuất, lắp ráp theo dạng “nhỏ giọt” chứ hầu như không có gì mới, không chú trọng vào việc sản xuất linh kiện, phụ tùng, nhất là những linh kiện, phụ tùng quan trọng. Có những tập đoàn đầu tư thêm vào VN được xem là mạnh nhưng cũng chỉ tầm khoảng 10 triệu USD để nâng cấp cho việc lắp ráp, nhưng đồng thời họ đầu tư thêm ở những nước làng giềng khoảng 500 triệu USD cho những nhà máy mới, sử dụng công nghệ mới, bao gồm cả những vấn đề chuyển giao công nghệ. Một con số so sánh quá khập khiểng, chênh lệch khủng khiếp để từ đó mới hiểu được vốn đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô từ các tập đoàn vào VN là cao hay thấp, là có chuyển giao công nghệ hay không ? Chuyển giao công nghệ gì ? Chúng ta đã tiếp cận, nghiên cứu, tiếp thu và có thể làm được gì ?

Với lĩnh vực ôtô, thời điểm hội nhập về thuế đối với khu vực Afta đang đến gần, liệu các hãng, các tập đoàn có tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hay không, có mong muốn chuyển giao công nghệ tiên tiến hay không ? Rất khó, nếu không muốn nói là gần như không thể. Nếu vậy thì ai sẽ trả lời câu hỏi rằng qua việc thu hút vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực ôtô trong suổt 15 năm qua, chúng ta đã được chuyển giao những công nghệ gì trong lắp ráp lẫn sản xuất trong khi giá xe bao nhiêu năm rồi vẫn nằm trong tốp cao nhất thế giới? Có thể xem đó là một sự thất bại song hành của các nhà quản lý lẫn người tiêu dùng.

18/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      775 suất học bổng cho trẻ em khó khăn ở ĐBSCL
      Triển vọng cổ phiếu ngành xây dựng
      Audi A7 Sportback chính thức lộ diện
      Phần lớn ngân hàng Châu Âu vượt qua cuộc “sát hạch sức khỏe”
      Bẫy “ảo” trên thị trường chứng khoán
      2012: Nên phá sản thêm 30% doanh nghiệp
      Thị trường di động: Thương hiệu nhỏ thì... vẫn có quà