Welcome
Hàng Việt : Tránh nhập nhằng
Cuộc vận động người Việt ưu tiên hàng Việt do Bộ Chính trị phát động đã tạo cú hích cho hàng Việt trở lại thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo nhiều DN, cần cụ thể hoá chủ trương này bằng các chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, tránh hiện tượng nhiều hàng ngoại lơị dụng chính sách “đội” mác Việt trà trộn vào thị trường.
TS Nguyễn Minh Phong – Viện Kinh tế – Xã hội cho rằng, để người Việt ưu tiên hàng Việt có hiệu quả thì cần phải có 4 yếu tố. Đó là DN, người tiêu dùng, nhà nước và giới truyền thông. Tuy nhiên, hiện cả 4 yếu tố này ít nhiều đang có vấn đề. Đặc biệt là phía DN với những vướng mắc về chất lượng, giá cũng như mạng lưới phân phối. Ngay cả một số yếu tố kỹ thuật khác lên quan đến DN như chưa biết cách quảng bá, làm thị trường cũng đang gặp phải những khó khăn khách quan.
 
 
Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã tạo cú hích
cho hàng Việt trở lại thị trường nội địa

Trong khi đó, phía Nhà nước phần lớn mới dừng lại ở chủ trương nhưng sự cụ thể hoá các chính sách chưa được nhiều, sự phân công các cơ quan và các cá nhân thực hiện cũng như giám sát thực hiện chưa thật rõ ràng. Còn những kẽ hở và mâu thuẫn trong chính sách cũng cần được điều chỉnh. Ông Phong ví dụ chúng ta khuyến khích dùng hàng Việt nhưng lại cho phép nhập tự do muối khi muối đó chất lượng còn không bằng chất lượng muối Việt. Đây là một trong những bất cập về chính sách mà đáng lẽ chúng ta có thể dùng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng, ngăn nhập mặt hàng này.

Ngoài ra còn vấn đề đấu thầu. Hiện những dự án người VN là chủ đầu tư mà đấu thầu trúng là người nước ngoài. Chúng ta không có quy định buộc họ phải tiêu thụ lao động, tiêu thụ hàng Việt để đảm bảo chủ trương Bộ Chính trị đưa ra. Mặt khác chúng ta cũng chưa có sự đồng bộ trong chính sách giữa các cơ quan, từ thuế, hải quan, đến các tổ chức tín dụng…

Theo bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao, những ai đang sản xuất hàng ở VN dù là phần trăm sở hữu vốn như thế nào thì cũng phải coi họ là một thành phần của nền kinh tế VN. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực và cuộc vận động của chúng ta còn mới thì chúng ta nên đặt ra những ưu tiên. Thứ nhất là ủng hộ ưu tiên cho những hàng Việt nào mà chủ sở hữu hoàn toàn là người VN, sản xuất tại VN, công nhân là người VN. Ưu tiên thứ 2 là những sản phẩm liên doanh liên kết. Trong sản phẩm này có phần trăm vốn của nước ngoài, có thể công nghệ thiết bị của nước ngoài, nhưng sản xuất tại VN bằng công lao động của VN và đóng góp vào trong GDP của VN. Và ưu tiên cuối cùng là những thương hiệu quốc tế đang sản xuất tại VN. Những DN này toàn bộ sở hữu về vốn là của nước ngoài, và thương hiệu này là sở hữu của nước ngoài nhưng đang sản xuất VN, cùng dùng công nhân của người VN và phục vụ cho người tiêu dùng VN. Chúng ta hỗ trợ cho họ theo ý nghĩa về mặt pháp lý, họ cũng là hàng VN, nhưng thương hiệu của họ khi chúng ta ủng hộ họ mạnh lên thì quyền được lợi về mặt thương hiệu đó không thuộc về người VN mà thuộc về quốc tế.

Nói công bằng, theo bà Hạnh, chúng ta ủng hộ trong chừng mức nào mà nguồn lực và điều kiện của chúng ta cho phép, còn điều quan trọng là phải ưu tiên cho những DN thật sự 100% vốn liếng của VN đang cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế. Và đừng để những thương hiệu 100% VN ngã dúi dụi trong cuộc cạnh tranh này.
18/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Những nơi khuyến mãi có cũng như không
      Coca-Cola: Sự sảng khoái tuyệt vời
      Thương hiệu xanh là yếu tố chính để tăng trưởng doanh thu
      Thị trường tiếp tục bước vào giai đoạn tích lũy
      Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn làm Chủ tịch cuộc thi Piano Quốc tế
      Làm mới ngôn ngữ hữu hình của thương hiệu
      Chọn dịch vụ làm đẹp cần ký cam kết