Welcome
Không dễ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng
Trong khi các ngân hàng nỗ lực đẩy mức tăng trưởng tín dụng để đạt chỉ tiêu của năm thì các chuyên gia cảnh báo rủi ro có thể xảy ra.

 

 Theo báo cáo của NHNN, ước tính đến 30/6/2010, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,52% so với cuối tháng 12 – 2009. Như vậy, dư địa để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu dự kiến cả năm nay (25%) trong 6 tháng còn lại là khá lớn. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu này không phải là chuyện dễ dàng.

Dù hạ lãi suất vẫn khó cho vay

Vào những ngày đầu tháng 7, Hiệp hội Ngân hàng đã thống nhất được việc các ngân hàng đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND. Bên cạnh việc ủng hộ chủ trương của Chính phủ, các ngân hàng đều kỳ vọng giảm lãi suất sẽ đẩy mạnh được tín dụng, mở rộng thị phần và khách hàng. Theo khảo sát, lãi suất cho 3 nhóm đối tượng ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp vừa và nhỏ đang ở khoảng 12,5 – 13,5%/năm. Mặt bằng lãi suất dành cho doanh nghiệp nói chung từ mức 14 – 14,5%/năm, còn khách hàng cá nhân khoảng 14 – 16%.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều ngân hàng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc tăng dư nợ tín dụng không hề đơn giản. Khi nhận xét về kỳ vọng vào việc giảm lãi suất để tăng trưởng tín dụng vào những tháng cuối năm, bà Cao Thị Thúy Nga - Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội, thẳng thắn chia sẻ: “Tăng trưởng tín dụng không chỉ dựa vào yếu tố lãi suất mà còn dựa vào khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu của thị trường và hoạt động xuất khẩu… Những yếu tố đó diễn biến tốt lên thì nhu cầu tín dụng trong nước tăng lên. Thực tế, có những thời điểm trước đây lãi suất ngân hàng cho vay lên tới 20%/năm nhưng cầu lớn và tín dụng vẫn tăng. Ngược lại, nếu không có cầu, dù lãi suất có 12% hay 10%/năm thì vẫn chưa hẳn tăng trưởng tín dụng đã mạnh”.

Điều này hoàn toàn hợp lý trong điều kiện hiện nay. Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa đã nhận xét, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ có những tác động tiêu cực đến xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam, với mức suy giảm khoảng 1,7% GDP trong năm 2010, cao thứ ba chỉ sau Trung Quốc (2,8%) và Anh (1,9%). Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng khó có hy vọng tăng tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu. Còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hầu hết đều có tâm lý “cầm chừng để tồn tại”. Ông Nghiêm Anh Tuấn - đại diện Công ty Smart Choice Việt Nam cho biết: “Thật khó can đảm để mở rộng kinh doanh trong lúc này. Chiến lược trong năm nay của công ty là tồn tại và không thua lỗ. Cho dù lãi suất ngân hàng đã về mức có thể chấp nhận được nhưng nếu không có phương án kinh doanh chắc chắn có hiệu quả thì chúng tôi cũng không mạo hiểm đi vay tiền ngân hàng”.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Phân khúc tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp được đánh giá là khó được như kỳ vọng, vì vậy khá nhiều ngân hàng đang chú trọng đến mảng tín dụng dành cho khách hàng cá nhân, đặc biệt là cho vay tiêu dùng, mua sắm… Ngay từ đầu tháng 7, SeABank chính thức triển khai sản phẩm “Vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo – SeAMore” dành cho cá nhân có nhu cầu vay tiền tiêu dùng phục vụ cùng lúc nhiều mục đích khác nhau như: sửa nhà, mua xe, sắm đồ nội thất… Với số tiền cho vay linh hoạt từ 10 triệu đến 5 tỷ đồng, thời hạn vay lên đến 10 năm.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cộng với sức ép do tăng vốn điều lệ, các ngân hàng có thể sẽ phải nới lỏng điều kiện tín dụng để đẩy vốn ra

Không chỉ có SeABank mà ACB, VIB… đều có các chương trình ưu đãi đối với khách hàng vay có tài sản đảm bảo, vay tín chấp. Đại diện của một ngân hàng thương mại cho biết: “Cho vay tiêu dùng hiện được nhiều ngân hàng đánh giá là sản phẩm chủ đạo. Các ngân hàng đều kỳ vọng khách hàng sẽ duy trì mối quan hệ với mình trong dài hạn, đặc biệt là khi lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất thỏa thuận đối với mảng tín dụng thực sự là chất xúc tác đẩy mạnh các hoạt động cho vay của các ngân hàng, đặc biệt là sản phẩm vay mua sắm, tiêu dùng.”

Tuy nhiên, trước diễn biến này, nhiều chuyên gia lại tỏ ý lo ngại những rủi ro có thể xảy ra nếu các ngân hàng “chạy quá đà”. Th.S Lê Văn Hinh thuộc Quỹ đầu tư SHS bày tỏ lo ngại: “Trong điều kiện hiện nay, cộng với sức ép của vốn điều lệ đã tăng, các ngân hàng có thể sẽ phải nới lỏng điều kiện tín dụng để đẩy vốn ra. Có nghĩa là các ngân hàng đang chấp nhận mức rủi ro lớn hơn và có thể là quá mức, điều này rất nguy hiểm, nhất là các ngân hàng chưa thực sự chú trọng đến vấn đề quản lý rủi ro”.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính còn tỏ ra lo ngại dòng tiền không đến đúng địa chỉ cần đến. Thị trường đã từng chứng kiến thời gian tăng trưởng tín dụng nóng và sự “thăng hoa” của thị trường chứng khoán, bất động sản. Vì vậy, nếu tín dụng tăng trưởng mà tiêu chuẩn xét duyệt hạ thấp, kiểm soát lỏng lẻo thì có thể tạo nên hiệu ứng bong bóng nhà đất, chứng khoán. Nền kinh tế có thể trở nên rủi ro hơn. 

Việc các ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay là một tín hiệu tích cực và đáng mừng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khu vực sản xuất kinh doanh chưa thể hấp thụ một cách dồn dập dòng tiền này, các ngân hàng cũng không nên nôn nóng chạy theo kế hoạch mà dễ gặp rủi ro cho chính bản thân mình, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
17/07/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Thu hút đầu tư: Giáo dục dẫn đầu, bán lẻ rớt hạng
      Làng nghề bột gạo Sa Đéc (P2)
      Vì sao nhà giàu Việt chưa chi tiền cho hàng Việt?
      Slogan hay không khó
      Doanh nghiệp lo mắc kẹt vì “trên chưa thông”
      Tự tạo tin rao vặt trên mạng
      Thị trường bất động sản Hà Nội: Cung tăng, cầu chưa cải thiện