Welcome
Co-branding - xu hướng kinh doanh mới
Co-branding (hợp tác thương hiệu) là một xu hướng kinh doanh mới đang hình thành và phát triển tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Nhiều thương hiệu đã tiến hành kết hợp với nhau như Thế giới di động và HP, Q-mobile và Swarovski, ICP và Thuận Phát, Eximbank và Nguyễn Kim, Sacombank và Viễn Thông A… Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu về hình thức hợp tác thương hiệu và nhận dạng về xu hướng kinh doanh này.

Co-branding là khái niệm liên quan đến những sự sắp xếp khác nhau trong marketing. Nó gắn kết một sản phẩm hoặc dịch vụ với nhiều hơn một thương hiệu hoặc gắn kết sản phẩm với một cá nhân nào đó ngoài nhà sản xuất.

Co-branding cũng được gọi là đối tác thương hiệu khi hai công ty hình thành liên minh để cùng làm việc, tạo ra sự hợp lực về marketing. Co-branding còn được dùng để khái quát một loạt hoạt động marketing liên quan đến hai hay nhiều thương hiệu.

 
Một dạng hợp tác thương hiệu điển hình là hai hoặc nhiều công ty hợp tác để gắn các thành phần nhận dạng thương hiệu như logo, tên hiệu vào một sản phẩm nào đó. Mục đích của việc hợp tác này nhằm kết hợp sức mạnh của hai hoặc nhiều thương hiệu để gia tăng sự vượt trội về giá trị mà khách hàng sẵn sàng chi trả, tăng cường khả năng chống lại sản phẩm hoặc dịch vụ của mỗi nhà sản xuất riêng lẻ hoặc giúp kết nối sự cảm nhận đa dạng của các thương hiệu cho một sản phẩm nào đó.

Việc hợp tác thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng và thỏa mãn nhu cầu khách hàng; đạt lợi ích tài chính; tăng cường vị thế cạnh tranh; giới thiệu sản phẩm mới với những ấn tượng mạnh mẽ; tạo ra giá trị được khách hàng mới cảm nhận; gia tăng hiệu quả hoạt động…

Gần đây đã có một số thương hiệu nước ngoài hợp tác với các thương hiệu trong nước. Việc hợp tác thương hiệu sẽ giúp các doanh nghiệp nước ngoài khai thác thị trường mới với chi phí thấp nhất; có cách tiếp cận thích hợp khi công ty tìm kiếm phản hồi nhanh hơn; thu nhập từ tiền bản quyền; chia sẻ rủi ro; tạo tiềm năng phát triển các mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

Còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, họ sẽ được tiếp cận nguồn lực tài chính mới; việc hợp tác công nghệ giữa hai công ty sẽ cho kết quả tốt hơn là nỗ lực của một công ty đơn lẻ; giúp gia tăng giá trị cho thương hiệu hợp tác; ấn tượng sản phẩm và sự tín nhiệm được cải thiện với những liên tưởng thương hiệu khác; gia tăng sự tin tưởng của khách hàng vào sản phẩm; gia tăng sự xuất hiện trước khách hàng từ những quảng cáo kết hợp.

Có bốn dạng hợp tác thương hiệu chính là hợp tác thương hiệu thành phần cấu thành; hợp tác thương hiệu cùng công ty; hợp tác thương hiệu liên doanh; hợp tác thương hiệu đa tài trợ.

Hợp tác thương hiệu thành phần cấu thành (ingredient co-branding):
 
Là hình thức tạo ra giá trị thương hiệu cho nguyên vật liệu, các thành phần chứa trong các sản phẩm khác. Chẳng hạn máy tính xách tay Dell sử dụng chip của Intel, pin của Sony và phần mềm của Microsoft.
 
Hợp tác thương hiệu cùng công ty (same company co-branding):
 
là hình thức một công ty quảng bá cho nhiều thương hiệu. Ví dụ Masan quảng bá cho nước tương Chinsu kết hợp với nước mắm Nam Ngư.
 
Hợp tác thương hiệu liên doanh (joint-venture co-branding):
 
là hình thức hai hoặc nhiều công ty hợp tác quảng bá một sản phẩm cho một đối tượng khách hàng mục tiêu. Chẳng hạn trường hợp Sacombank kết hợp với Viễn Thông A tạo ra sản phẩm thẻ giúp người tiêu dùng sử dụng thẻ của Sacombank để mua hàng ở siêu thị của Viễn Thông A với một số ưu đãi.
 
Hợp tác thương hiệu đa tài trợ (multi-sponsors co-branding)
 
là hình thức hai hoặc nhiều công ty, nhiều thương hiệu hợp tác theo hình thức tài trợ để quảng bá cho các sản phẩm và thương hiệu của nhau. Chẳng hạn nhiều thương hiệu cùng tham gia quảng bá thương hiệu và đưa sản phẩm về nông thôn trong chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao.
 
06/07/2010
  CÁC TIN KHÁC
      NIVEA - Sự chăm sóc nhẹ nhàng cho làn da
      Thị trường bán lẻ: Đường ra hay đầu ra?
      “Hòm thư ưu tiên” sẽ giúp phân loại e-mail
      Câu chuyện thiết kế thương hiệu ở apple: quả táo khuyết làm cả thế giới thèm muốn
      Khai thuế điện tử, được lợi gì?
      Một doanh nghiệp cần bao nhiêu tên?
      Khó nhọc tìm đường ra thị trường