Welcome
Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu: Cần thống nhất về hình thức, văn bản quy phạm pháp luật
Để đảm bảo tính khả thi, hợp lý và hiệu quả của Dự thảo, ngày 29/12/2009, tại Hà Nội, VCCI phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 149/2005/NĐ-CP” để tiếp thu ý kiến góp ý của doanh nghiệp và hiệp hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, LS Trần Hữu Huỳnh – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được triển khai thi hành ngày 14/6/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 8/12/2005 quy định chi tiết thi hành Luật này (sau đây gọi là Nghị định số 149/2005/NĐ-CP) với nội dung cơ bản là: quy định chi tiết những vấn đề Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chưa quy định rõ; tập hợp tất cả những chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể…

Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã thông qua một số Luật có nội dung quy định ảnh hưởng đến việc triển khai thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đặc biệt là các nội dung thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ và một số quy định trong Nghị định 149/2005/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tế, nên một Nghị định sửa đổi Nghị định 149/2005/NĐ-CP (sau đây gọi là Dự thảo) đã được soạn thảo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Những nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào những quy định về giá tính thuế, tỷ giá tính thuế, thời hạn nộp thuế, miễn thuế nhập khẩu, hoàn thuế, truy thu thuế…

Sửa theo thứ tự Hiến pháp – Luật – Nghị định – Thông tư

Trước khi đi vào góp ý cụ thể, ông Chu Vũ Hiền – Công ty XNK Thiết bị toàn bộ và Kỹ thuật (Technoimport) – Bộ Công thương đưa ra một số nhận xét, Nghị định mới cần sửa cho thống nhất về hình thức, văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải là Thông tư chứ không thể là Quyết định và càng không phải là Công văn theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp quy. Ông cũng cho rằng, các quy định trong nghị định mới này nếu có khác biệt thì cần sửa theo nguyên tắc tuân thủ thứ tự ưu tiên trước hết là Hiến pháp, sau đó là Luật, tiếp đó là Nghị định và sau cùng là Thông tư.

TS. Nguyễn Văn Tuyến – Trường ĐH Luật Hà Nội đồng ý với các sửa đổi, bổ sung về những quy định chung trong Chương I dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 149/2005/NĐ-CP. Đối với Điều 3, ông cho rằng nên đặt tên là “Đối tượng nộp thuế; đối tượng được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thay thế theo hướng” thay vì dùng cụm từ “người nộp thuế; người được ủy quyền nộp thuế…”.

Ông cũng cho rằng tại khoản 1 Điều 4 tại mục a nên để “chủ sở hữu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” thay vì “chủ hàng hóa…”. Tại khoản 2 theo ông vẫn để các mục a, b, tuy nhiên chuyển mục c sang khoản 3.

Ông cũng đặt ra câu hỏi, trong trường hợp hết thời hạn hội chợ, triển lãm hoặc kết thúc công việc nhưng chủ hàng lại không tái nhập hoặc tái xuất mà bán ngay tại nơi diễn ra hội chợ, triển lãm hoặc nơi thực hiện công việc thì việc xử lý về thuế là như thế nào? Đây là thực tế xảy ra khá nhiều trong thực tiễn xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước.

Không nêu được chất lượng của phương tiện vận tải chuyên dùng

Đề cập tới phương tiện vận tải chuyên dùng, ông Chu Vũ Hiền đã đưa ra những ý kiến xuất phát từ các vướng mắc thực tế khi thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Tại điểm b, khoản 6, Điều 6 quy định:“Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ trong nước chưa sản xuất được;…Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành danh mục phương tiện vận tải chuyên dụng trong nước đã sản xuất được, Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận phương tiện vận tải chuyên dụng trong dây chuyền công nghệ để thực hiện việc miễn thuế quy định tại điểm này”. Tuy nhiên ông Hiền phân tích, “phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ” là tập hợp rất đa dạng các loại máy móc thiết bị để vận chuyển không chỉ bao gồm các phương tiện có bánh xe như ô tô, xe hỏa, xe gòng…mà còn có thể là băng tải, đường ống hoặc các tập hợp máy móc thiết bị khác được thiết kế và chế tạo nhằm mục đích vận chuyển chất rắn, lỏng và khí trong dây chuyền công nghệ. Do đó “Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể ban hành được danh mục phương tiện vận tải chuyên dụng trong nước đã sản xuất được nếu tập hợp được đầy đủ báo cáo của các nhà sản xuất trong nước nhưng không bao giờ có thể nêu được chất lượng của các sản phẩm này có đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của một dây chuyền công nghệ hay không” – ông nói. Ông cũng khẳng định: Bộ Khoa học và Công nghệ cũng không thể xác nhận được phương tiện vận tải chuyên dụng trong một dây chuyền công nghệ cụ thể, việc này chỉ có Bộ Quản lý chuyên ngành kỹ thuật mới có đủ khả năng thực hiện.

02/07/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Nên dùng ít màu trong thiết kế nhãn hiệu
      Xây dựng đội ngũ doanh nhân toàn cầu
      Vietnam Airlines giảm giá một số đường bay
      Khẳng định một thương hiệu giày
      Một loại kem xoa bóp “nổi tiếng” bị đề nghị rút giấy phép lưu hành
      Năm 2009: Kim ngạch nhập khẩu củ các loại tăng 11,5%
      Điện thoại thương hiệu Việt: Nhiều hãng phải rời cuộc chơi