Welcome
Hàng trăm mặt hàng tăng giá bán
Bất chấp tỷ giá đôla đang giảm, các mặt hàng nhập khẩu vẫn không có tín hiệu giảm giá, thậm chí một số vẫn tiếp tục tăng. Nhưng đáng ngại là so với các mặt hàng sản xuất trong nước, quy mô và mức độ tăng giá của các mặt hàng nhập khẩu hiện chưa thấm tháp gì.

Thông tin từ các hệ thông phân phối lớn tại Hà Nội như Fivimart, Intimex, Citimart cho biết, nếu như sau Tết, số lượng các nhà cung cấp gửi công văn điều chỉnh tăng giá sản phẩm chỉ ở mức độ “rải rác” thì từ vài tuần trở lại đây, hiện tượng này trở nên “ào ạt”.

 

Tương tự, nếu như tăng giá thời điểm sau chủ yếu rơi vào hàng nhập khẩu với mức tăng nhẹ, phổ biến từ 3-5%, thì hiện nay là cuộc “kéo nhau lên giá” của hàng trong nước với mức tăng trên dưới 10%.

 

Mô tả ảnh.
Các mặt hàng nhu yếu phẩm đều rục rịch tăng giá, một mặt bằng giá mới đang dần hình thành - Ảnh: N.N

“Hiện siêu thị đã nhận được thông báo điều chỉnh giá bán từ khoảng 20 nhà cung cấp hàng trong nước, dải đều các ngành hàng từ thực phẩm, gia dụng, hóa mỹ phẩm… Tính cả hàng nhập khẩu thì ước chừng có khoảng 200-300 mặt hàng tăng giá” – đại hiện hệ thống Intimex cho hay.

 

Còn lãnh đạo hệ thống Fivimart, bà Vũ Thị Hậu mô tả: “nói chung các nhà cung cấp hàng trong nước, nhà nào cũng có những mặt hàng tăng giá. Gần như họ rủ nhau lên hết mà siêu thị không thể không cho phép”.

 

Lý do mà các nhà cung ứng hàng vào siêu thị đưa ra đợt này chủ yếu vin vào các chi phí đầu vào từ nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng đến việc tăng lương cơ bản bắt đầu từ tháng 5/2010.  

 

Đôla giảm, hàng nhập khẩu vẫn… tăng

 

Điều bất hợp lý là thông thường khi tỷ giá VND/USD trên thị trường tăng cao thì ngay lập tức các nhà nhập khẩu, kinh doanh cũng cho đó là lý do cốt yếu để tăng giá bán nhưng vài tuần nay khi tỷ giá liên tục giảm thì đó lại trở thành lý do thứ yếu để họ tính chuyện giảm giá.

 

Thông tin cho thấy, sau một loạt động thái nâng giá thời điểm trước và sau Tết thì hiện nay khi đôla giảm mạnh (giá đôla trên thị trường tự do, hôm 14/4 lần đầu tiên còn thấp hơn tỷ giá liên ngân hàng), các siêu thị vẫn chưa nhận được công văn điều chỉnh giảm giá nào từ phía nhà nhập khẩu, cung ứng hàng. Thậm chí, một số mặt hàng nhựa ngoại nhập còn đang báo giá tăng tiếp 10%.

 

“Chúng tôi vừa nhận được thông báo tăng giá từ một số nhà cung cấp các mặt hàng nhựa gia dụng, điện gia dụng có xuất xứ Hàn Quốc, Trung Quốc. Lý do họ đưa ra là do giá nhập về từ nhà máy ở nước ngoài đã tăng” - đại diện siêu thị Intimex nói thêm.

 

Ngoài những trường hợp tăng giá bất khả kháng nêu trên, giải thích việc chưa có động thái giảm giá nào, hầu hết nhà nhập khẩu hàng thực phẩm khi được hỏi đều vin vào lúc này đang là giai đoạn thấp điểm tiêu thụ, hàng bán ra hiện nay đều được nhập từ trước - khi giá đôla còn cao, còn gần đây chưa có lô hàng nào mới nhập về.

 

Ngay cả đơn vị thường xuyên nhập và phân phối hoa quả tươi như táo, lê từ Mỹ, Úc là Công ty Nhất Nam, một đại diện còn cho rằng, các loại hoa quả nhập về có tính mùa vụ. Thường nhập nhiều vào vụ Tết, còn hiện nay hoa quả trong nước đa dạng, phong phú nên đơn vị cũng không nhập mấy (?!).

 

Tăng nhanh, giảm chậm

 

Mô tả ảnh.
Các siêu thị quan ngại giá cả tăng, sức mua thời gian tới sẽ khó được như trước - Ảnh: N.N

Thừa nhận việc tỷ giá đôla giảm hiện nay cũng có ý nghĩa nhất định nhưng từ góc độ nhà nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp lâu năm tại Hà Nội phân trần, doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất vay vốn ngân hàng cao nên khó có thể tính đến chuyện giảm giá bán.

 

Cũng theo hướng này, một đại diện Ban lãnh đạo Công ty Minh Anh – chuyên nhập khẩu, phân phối hàng thực phẩm tại Hà Nội cho rằng, mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu cũng như tỷ giá đang theo chiều hướng giảm nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt trước nhiều nguy cơ bất ổn định của nền kinh tế. Cho nên tất cả các quyết sách hiện đều phải nhìn một cách dài hơi.

 

“Vận chuyển, lương cơ bản, chỉ số giá vẫn tăng. Nếu chỉ trông vào tỷ giá để giảm giá bán đợt này, một thời gian sau chỉ số lạm phát mà tăng lên hai con số thì chúng tôi lại xin tăng giá bán à?” – vị này bày tỏ.

 

Người tiêu dùng lâu nay không còn lạ lẫm gì với điệp khúc giá “tăng nhanh, giảm chậm”, “tăng dễ, giảm khó” từ phía nhà nhập khẩu, kinh doanh. Lý do bao biện dù có hợp lý, thỏa đáng thế nào chăng nữa cũng không thể phủ nhận việc các nhà nhập khẩu đang thu lợi từ việc tỷ giá giảm mạnh.

 

Lãnh đạo một doanh nghiệp xin giấu tên trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhìn nhận, tỷ giá giảm hiện tại đáng lẽ ra người tiêu dùng phải được hưởng lợi. Song hiện nay Việt Nam chưa có một hiệp hội của các nhà xuất nhập khẩu, việc quản lý giá cũng như các chế tài xử phạt, quản lý cạnh tranh chưa tạo được áp lực lên các doanh nghiệp nên giá cả “cứ lộn tùng phèo”. 

 

“Vài ông lớn cầm trịch thị trường mà giảm thì các doanh nghiệp sẽ phải nhìn nhau giảm theo; còn hiện đã không có ông nào giảm mà hàng trong nước lại tăng giá ầm ầm thì hàng nhập khẩu đứng im là may” – vị này nói.

15/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Tái thiết kế thương hiệu - Tình huống Ngân hàng ANZ
      Toyota cắt giảm sản xuất nội địa
      Burger Kinh thử nghiệm những phần ăn tùy chọn mới
      Quy luật phù phiếm trong kinh doanh
      Phổ thông hóa sản phẩm
      Khi nhà mạng cho khách hàng làm tỉ phú
      Doanh nghiệp bất động sản và câu chuyện bó đũa