Welcome
Mổ xẻ nguyên nhân giá tân dược liên tục tăng
Những ai mắc bệnh hiểm nghèo hay có người thân mắc bệnh hiểm nghèo đều nhận thấy giá tân dược quá đắt. Ngoại trừ thuốc hiếm còn có nhiều nguyên nhân vô lý khác khiến tân dược đắt, ai cũng biết nhưng nó vẫn tồn tại đến nay.

Cơ chế độc quyền

Theo một chuyên gia ngành dược thì vào những năm 1990 pháp luật quy định nhà sản xuất (NSX) nước ngoài khi đã đăng ký lưu hành thuốc vào Việt Nam thì tất cả các đơn vị xuất nhập khẩu ở Việt Nam có chức năng phân phối đều được mua thuốc của NSX này.

Nhưng 10 năm gần đây, Bộ Y tế ban hành quy định cấp số đăng ký cho các loại thuốc (cấp cho cả NSX và nhà phân phối - NPP) thì nảy sinh cơ chế độc quyền. Bởi khi NPP đăng ký một loại thuốc thì NSX không thể bán cho NPP khác ở Việt Nam. Vì NPP có số đăng ký độc quyền phân phối sản phẩm ấy tại Việt Nam.

Ngoài ra, các NPP còn lợi dụng quy định “không nhập khẩu các loại thuốc mới có chứa hoạt chất đã được đăng ký với nhiều tên” để củng cố thêm thế độc quyền. Một NPP đăng ký cùng lúc nhiều loại thuốc chứa cùng một hoạt chất để NPP khác không đăng ký thêm được loại thuốc khác có hoạt chất ấy.

Giá tân dược tăng đè gáng nặng lên vai người bệnh nghèo

Chính cơ chế trên giúp các NPP nước ngoài độc quyền giá bán mà không sợ cạnh tranh. Đến năm 2004, Bộ Y tế sửa sai bằng quy định cho nhập khẩu song song các loại thuốc bị áp đặt giá cao tại Việt Nam nhưng cũng không cải thiện được tình hình vì... mọi sự đã rồi.

Bởi lúc ấy, NPP nắm thế độc quyền đã chiếm hết thị phần phân phối các loại thuốc ấy tại Việt Nam, NSX cũng không dám bán cho NPP khác.

Hoa hồng cho bác sĩ và bệnh viện

Để cạnh tranh thị phần với NPP độc quyền, các NPP được nhập khẩu song song phải chi hoa hồng cho bác sĩ để kê toa thuốc của mình. Các NPP có thế độc quyền cũng đáp trả, cuộc chiến “hoa hồng” bắt đầu.

Hình thức của “hoa hồng” cũng đa dạng, phong phú từ cái phong bì gửi tận tay bác sĩ định kỳ hàng tháng đến món quà cho gia đình bác sĩ mỗi dịp lễ lạt, các suất tham gia hội thảo quốc tế kèm nghỉ dưỡng ở nước ngoài… Có khi, chỉ chi phí “hoa hồng” cho bác sĩ cũng còn cao hơn giá thực của thuốc khi NPP nhập khẩu.

Dược sĩ  N.T.K.A, chủ một nhà thuốc ở Gò Vấp cho biết: “Cùng một loại biệt dược, chỉ có tên thuốc khác nhau nhưng giá chênh lệch nhau đến mấy lần. Khi bệnh nhân đưa đơn đến mua thuốc, tôi tư vấn cho họ mua loại thuốc rẻ hơn họ cũng không dám. Vì họ muốn mua đúng theo toa bác sĩ đã kê”.

Theo dược sĩ K.A, nếu thầy thuốc có tâm thì kê toa loại thuốc rẻ tiền cho bệnh nhân. Nhưng nếu đã ăn “hoa hồng” của NPP nào rồi thì sẽ kê toa thuốc của NPP đó, dù nó đắt gấp mấy lần thuốc cùng loại.

Ngoài “hoa hồng” và chi phí quảng bá, cạnh tranh trên thương trường, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thuốc còn phải chịu những khoản chi do chính các nhân viên bệnh viện “đòi hỏi”.

Dù việc cung ứng thuốc cho bệnh viện đã có quy chế đấu thầu hẳn hòi nhưng một chủ DN nhập khẩu cho biết: “Nếu không có thế, không cạnh tranh nổi về giá với các DN khác thì chỉ có cách “chi” mới kiếm được thầu cung ứng thuốc cho bệnh viện”.

Chủ một DN có thầu cung ứng thuốc cho một bệnh viện lớn ở TPHCM cho biết: “Muốn thủ tục nhập thuốc nhanh gọn lẹ thì cũng phải “biết điều” với nhân viên khoa Dược. Muốn được trả tiền sớm để có vốn kinh doanh thì phải “chi” cho nhân viên tài vụ”.

Những khoản trên DN bắt buộc phải tính vào chi phí quản lý, kinh doanh thuốc nếu không muốn chịu lỗ. Các chi phí ấy cuối cùng cũng rơi vào giá thuốc mà người bệnh phải trả, góp phần đẩy giá thuốc lên tới trời.

Đủ chiêu lách luật

Dù dư luận rất bất bình vì giá thuốc tây đắt đến bất hợp lý, nhưng sau các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất của ngành y tế đều có kết quả là các hãng thuốc không bán cao hơn giá quy định. Đơn giản vì giá thuốc mà ngành y tế lấy ra so sánh để xem giá bán trên thị trường có quá cao hay không lại chính là giá… do DN nhập khẩu thuốc tự khai.

Bởi theo quy định quản lý nhà nước về giá thuốc hiện nay thì các DN nhập khẩu tự kê khai giá nhập khẩu, giá bán buôn, giá bán lẻ. Dựa vào “kẻ hở” này, nhiều DN móc mối NSX nâng giá thuốc ngay ở nước ngoài rồi nhập thuốc về, kê khai giá nhập khẩu cao để lấy phần chênh lệch chi “hoa hồng” cho bác sĩ và các khoản mập mờ khác.

Hiện Việt Nam nhập gần 10.000 loại thuốc với hơn 900 hoạt chất. Do vậy, ngành y tế không thể nắm hết giá của các loại thuốc này bán trên thị trường quốc tế để so sánh với giá DN tự khai. Thậm chí, đối với các loại thuốc thông dụng ngành y tế nắm được giá thực thì các DN cũng có cách lách bằng phương pháp bán hàng lòng vòng trên giấy. 

Ví dụ công ty A nhập bán cho công ty B thì giá cao hơn 1 chút để đảm bảo lợi nhuận. Công ty B tiếp tục bán cho công ty C làm giá thuốc cao hơn 1 tí. Công ty C bán lại cho đại lý D thì giá lại cao hơn…

Chỉ bằng vào mớ hóa đơn, DN nhập thuốc có thể đẩy giá thuốc lên gấp mấy lần mà vẫn không vi phạm quy định quản lý giá thuốc. Đồng thời, nó còn giúp các DN “trốn” một khoản thuế không nhỏ.

13/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Thị trường di động: Thế “chân kiềng” của 3 ông lớn
      Naming: Đặt tên thương hiệu
      Thay đổi mới là ổn định!
      TH True Milk: Sữa sạch hay chỉ là slogan quảng cáo?
      Thương hiệu Việt: Từ tầm nhìn đến thực tế.
      Thiết lập cơ cấu quan hệ hiệu quả giữa thương hiệu mẹ và nhánh
      Đại gia nhà nước sắp "vỡ trận" hàng loạt vì thắt chặt tiền tệ?