Welcome
Điện và dầu khí cùng... lãng phí
Luôn kêu thiếu vốn cho các công trình đầu tư phát triển nguồn điện, đường dây truyền tải, nhưng thực tế, các công trình do ngành điện lực, dầu khí làm chủ đầu tư lại để xảy ra nhiều sai phạm, gây lãng phí, thất thoát vốn lớn.

Không chỉ chậm tiến độ 1 - 2 năm, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng của hệ thống điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, không ít công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư còn sai phạm từ công tác quản lý dự án, mua sắm vật tư thiết bị sai quy định đến thanh toán sai khối lượng, sai đơn giá, định mức…

Theo PVN, từ nay đến năm 2015, tập đoàn này cần nguồn vốn khổng lồ hơn 75 tỷ USD đầu tư cho các dự án điện, đạm, khí… Về phía EVN, năm nay, ngành điện cũng cần tới 58.500 tỷ đồng đầu tư cho các công trình nguồn và lưới điện. Tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng: “Ngành điện đang bất nhất. Vì quả thật thiếu vốn, các tập đoàn lớn càng phải chắt chiu vốn ngân sách trong công tác triển khai xây dựng công trình nguồn, lưới điện”.

Thực tế là tại dự án trọng điểm quốc gia Cụm khí - điện - đạm Cà Mau (PM3) do PVN, Ban Quản lý dự án PM3 làm chủ đầu tư, dự kiến quý I/2005 hoàn thành và đưa khí vào bờ nhưng đến quý I/2007, chủ đầu tư mới bàn giao được giai đoạn 1 cho đơn vị quản lý vận hành. Không chỉ chậm tiến độ, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) còn cho thấy, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho dự án này bị thất thoát, lãng phí lớn.

Còn nhiều lãng phí trong các dự án đầu tư của ngành điện (Ảnh: Lê Hưng)

Tổng số tiền KTNN đề nghị xử lý tài chính đối với Ban quản lý dự án này lên tới hơn 116,8 tỷ đồng, thu hồi về cho ngân sách Nhà nước vốn đầu tư đã thanh toán sai quy định hơn 26,2 tỷ đồng. Sự thiếu kiểm tra, kiểm soát của Tổng thầu Vietsovpetro và Ban quản lý dự án đã làm tăng chi phí đầu tư 40,2 tỷ đồng. Đơn giá trong dự toán các hạng mục xây lắp trên bờ của dự án không tuân thủ quy định của nhà nước, làm phụ trội hơn 54,3 tỷ đồng…

Đáng chú ý, Ban quản lý dự án thiếu kiểm tra, kiểm soát nên đã dẫn tới tình trạng thanh toán “khống” cho cả những phần việc mà thực tế nhà thầu không hề thi công, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. “Để xảy ra sai phạm này, trách nhiệm thuộc về PVN”, KTNN kết luận.

Tương tự, dự án xây dựng đường dây và trạm biến áp 500 kV Hà Tĩnh - Thường Tín do EVN làm chủ đầu tư, KTNN cũng đề nghị giảm trừ nguồn vốn đầu tư thực hiện hơn 69,3 tỷ đồng do những sai sót trong công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán, quản lý chất lượng vật tư thiết bị công trình… Trong đó, Công tư Tư vấn Xây dựng điện 1, đơn vị được chỉ định thầu về công tác khảo sát, thiết kế tính toán sai thép kết cấu móng cột làm tăng chi phí nhiều tỷ đồng, giảm hiệu quả kinh tế của dự án.

Nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, Thanh tra Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã phát hiện sai phạm về kinh tế lên tới 12,2 tỷ đồng tại dự án Thủy điện Pleikrông (Kon Tum). 

Với tình hình trên, ông Ngãi cho rằng: “Nếu không sử dụng đồng vốn chắt chiu, hiệu quả, các ông lớn này sẽ tự hại mình vì không nhà đầu tư nào muốn rót tiền một khi biết nguồn vốn của mình bị tiêu xài lãng phí”.

08/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Ngành cao su: Kỳ vọng cuối năm
      Đại gia nhà nước sắp "vỡ trận" hàng loạt vì thắt chặt tiền tệ?
      Nhiều cơ hội đầu tư tại Campuchia cho doanh nghiệp Việt
      Xây dựng thương hiệu - Mỗi nhân viên hãy là một đại sứ thương hiệu
      Xây dựng giá trị của thương hiệu thông qua dịch vụ chăm sóc khách hàng
      Thị trường điện thoại: Giá rẻ vẫn độc tôn
      Bốn cách xây dựng niềm tin