Welcome
Hàng Việt chinh phục người Việt
Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” giờ đây đã trở thành một chủ trương được nhiều ngành, nhiều giới đồng tình tham gia. Điều này khích lệ các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra những tập quán tiêu dùng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, và kích thích tinh thần yêu nước cũng như ý thức dân tộc.

Tuy nhiên theo dõi dư luận, cả phía người tiêu thụ và nhà sản xuất đều có cảm nhận về nỗi băn khoăn xoay quanh hai chữ “ưu tiên”. Sự “ưu tiên” ấy mang nội hàm duy ý chí hay một sự chiếu cố đối với hàng sản xuất trong nước. Cảm nhận ấy xuất phát từ sự thừa nhận chất lượng sản phẩm của ta, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ta còn yếu so với hàng ngoại nhập.

Từ tinh thần chấn hưng nội hóa

Cách đây đúng một thế kỷ từng có một cuộc vận động tương tự. Đầu thế kỷ 20 nước ta là thuộc địa của Pháp. Tinh thần dân tộc bị đè nén, người Việt đã noi gương người Ấn để phát động một cuộc vận động, ngõ hầu kích thích tinh thần yêu nước và hỗ trợ doanh nhân người Việt bước đầu xác lập vị thế còn non trẻ của mình trong nền kinh tế thuộc địa.

Ở Ấn Độ, người dân bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “bất bạo động” của người lãnh đạo tinh thần là Thánh Gandhi đã phát động một cuộc tẩy chay hàng hóa của nước Anh đang cai trị người Ấn.

Nhưng ở nước ta cuộc vận động lại theo hướng rất cổ điển “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” mà không hề động chạm đến đối tượng chèn ép trực tiếp là giới chủ thực dân và những chính sách thuộc địa. Chính những nhà Duy tân đã nhận ra điều ấy.

Cụ cử Lương Văn Can, vị thục trưởng Đông Kinh nghĩa thục, đã khởi xướng “đạo làm giàu” phê phán thói “khinh hàng nội hóa”, sùng tín hàng ngoại của cả dân chúng lẫn các doanh nhân (quả chuối to hơn thì gọi là chuối Tây, quả táo ngon hơn thì gọi là táo Tàu...). Cụ cho rằng giới doanh nhân phải thay đổi tập tính, phải học hỏi kỹ năng kinh doanh của thiên hạ để phát triển một cách căn cơ.

Cụ Phan Châu Trinh cũng cổ xúy hàng nội hóa bằng cách chế ra trang phục cho mình là bộ Âu phục, nhưng được may bằng loại đũi nổi tiếng của xứ Quảng để chứng minh hàng nội vẫn đủ chất lượng theo kịp thời trang hiện đại của thiên hạ, không chỉ với một tinh thần cực đoan “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, nói cách khác là làm sao cho nước ao nhà trong trẻo thì tắm mới mát.

Người dân huyện Năm Căn, Cà Mau được nhân viên Công ty Mỹ Hảo tư vấn chọn hàng tại phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tháng 11-2009 (Ảnh: Đức Vịnh)

Tinh thần chấn hưng nội hóa này đã mang lại một phong khí cho các doanh nghiệp Việt. Để cạnh tranh với các hãng của cả Tây lẫn Tàu trên lĩnh vực vận tải đường sông, ông Bạch Thái Bưởi  không chỉ đóng tàu mới mà còn đặt cho con tàu của mình những cái tên làm phấn chấn lòng người như Bạch Đằng, Đinh Tiên Hoàng...

Để tăng cường chất lượng dịch vụ, hãng tàu của ông chủ họ Bạch cấp miễn phí bánh giò cho khách điểm tâm, để cạnh tranh với bánh bao trên những con tàu của người Hoa hay bánh mì của người Tây. Rồi ông còn sáng tác những ca từ giới thiệu công ty và lịch trình các tuyến tàu để những gánh hát xẩm quảng bá nơi đầu chợ cuối sông... Hồi ấy dường như cũng không ai đề ra khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt”.

Rồi chúng ta còn biết đến Nguyễn Sơn Hà, một doanh nhân Hải Phòng, khi đưa ra sản phẩm các loại sơn hóa chất đã lấy thương hiệu “Résistanco” như gửi gắm vào đó sức đề kháng không chỉ của một loại sơn chống lại sự xâm thực của thiên nhiên, mà còn chống lại sự chèn ép của hàng ngoại, và thành đạt trên trường kinh doanh...

Không chỉ là sự chiếu cố

Với cuộc vận động hiện nay, người ta có thể ghi nhận phản ứng từ cả hai phía. Người tiêu dùng luôn đòi hỏi quyền được sử dụng những sản phẩm có chất lượng, giá cả phải chăng. Còn những nhà sản xuất chân chính cũng mong muốn sự lựa chọn của khách hàng phải là sự tự nguyện căn cứ vào sản phẩm chứ không chỉ là sự chiếu cố.

Có một thực tế là lâu nay các nhà sản xuất luôn hướng ngoại coi đó là thị trường không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế (lợi nhuận) mà còn là tiêu chí cho đẳng cấp sản phẩm, thương hiệu của mình.

Chỉ cần nhìn vào mẫu mã, kiểu dáng hay bao bì, câu chữ trình bày trên sản phẩm đủ thấy các doanh nghiệp có phần nào coi nhẹ khách hàng đồng bào mình. Thị trường của một quốc gia có số dân đông đứng thứ 13 thế giới có phần bị bỏ ngỏ cho hàng kém chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng ngoại và hàng nhái, hàng giả, gây tổn hại cho cả người tiêu dùng và lợi ích quốc gia...

Và đương nhiên trong thời đại hội nhập này chẳng thể đưa ra chủ trương “người Việt chỉ dùng hàng Việt”. Phải chăng vì thế mà phải dùng hai chữ “ưu tiên”?

Mới đây, tôi được dự lễ kỷ niệm của một doanh nghiệp thành đạt trong ngành sản xuất các loại nước giải khát. Doanh nghiệp này từng tài trợ cho giới trẻ Việt Nam chinh phục ngọn núi Everest cao nhất thế giới. Tiếp tục cuộc phấn đấu của mình, doanh nghiệp này đã đưa ra lập luận: Còn gì cao hơn đỉnh Everest? Chỉ có Thượng đế. Mà trong kinh doanh thì “khách hàng là thượng đế”. Vậy thì “chinh phục khách hàng” chính là mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.

Từ ý tưởng ấy, phải chăng các doanh nghiệp chúng ta hãy tiếp cận chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” bằng mục tiêu phấn đấu “Hàng Việt chinh phục người Việt”, thậm chí “Hàng Việt ưu tiên chinh phục người Việt”?

08/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Công ty giấy Sài Gòn: Giằng co bán để tiếp tục phát triển
      Dưới hay trên 65%?
      Nikon
      60 giây để truy tìm “huấn luyện viên đắc lực”
      Định giá thương hiệu
      Ngành cao su: Kỳ vọng cuối năm
      BĐS: Không đảo nợ chỉ có phá sản?