Welcome
Dùng tiền quỹ bình ổn... chưa ổn
Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 4033 hướng dẫn việc trích sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp lỗ trong thời gian qua do không được tăng giá bán lẻ. Nhưng nội dung công văn không cụ thể khiến tiền của người tiêu dùng có nguy cơ không được sử dụng đúng chỗ.

Nội dung trong công văn yêu cầu doanh nghiệp (DN) đầu mối sau khi đã rà soát, phấn đấu tiết kiệm chi phí mà giá bán không đủ bù đắp giá vốn thì được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp mức lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh.

Với cách hướng dẫn này, các DN hiểu rằng lỗ bao nhiêu sẽ được trích bù bấy nhiêu. Trao quyền này cho DN chẳng khác gì quay lại cơ chế bù lỗ trước kia, khác chăng là trước đây dùng tiền từ ngân sách nhà nước, còn bây giờ là tiền của người tiêu dùng. Mà đã là tiền của người tiêu dùng thì việc sử dụng cần minh bạch.

Mỗi lít xăng, dầu người tiêu dùng phải “trả trước” 300 đồng để phòng khi giá biến động. Tại sao bây giờ khi sử dụng quỹ bình ổn không cho người tiêu dùng biết trong mỗi lít xăng, dầu họ mua có bao nhiêu tiền trích từ quỹ? Nếu cho DN lỗ bao nhiêu dùng bấy nhiêu, không ai có thể giám sát được tiền từ đó sẽ chảy vào hoạt động chiết khấu, làm lợi cho hệ thống trung gian.

Hơn nữa, trước khi cho sử dụng quỹ cũng cần phải công khai việc trích nộp vào quỹ này của từng DN bởi đó là tiền người tiêu dùng cho vay không tính lãi suất.

Nhà nước phải xác định trong thời gian nào DN đang lỗ bao nhiêu (có thể sai lệch 100-200 đồng trên mỗi lít và DN phải chấp nhận tiết kiệm chi phí để chia sẻ) và quy định rõ mỗi lít xăng, dầu được trích cụ thể bao nhiêu từ quỹ bình ổn.

Không nên cho sử dụng thoải mái để cuối năm mới quyết toán. Làm được như vậy mới bảo đảm được bản chất của quỹ bình ổn, cơ chế thị trường (doanh nghiệp nào tiết kiệm được tốt chi phí so với chi phí bình quân do Bộ Tài Chính quy định thì có ưu thế hơn) và tránh được cơ chế xin - cho vốn đã để lại nhiều hệ lụy.

05/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Slogan hay không khó
      Tụt hạng vẫn vui
      Tiếp thị tại cửa hàng chưa đủ
      Siêu thị trong nước đua làm nhãn hàng riêng
      Giá vẫn "ổn" khi hết bình ổn
      Chuẩn bị hàng tết, giá nhiều loại thực phẩm tăng
      Nước mắm, nước chấm: bị lừa độ đạm thành độ N