Welcome
Thị trường tiếp tục bước vào giai đoạn tích lũy
Rủi ro do những biến động của các "ẩn số" vĩ mô sẽ giảm đi đáng kể trong tháng 4. Đây cũng là thời gian các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I và kế hoạch kinh doanh năm 2010, nên thông tin doanh nghiệp sẽ chi phối xu hướng thị trường.

Kết quả kinh doanh quý I cũng kiểm chứng sức ép từ chính sách tiền tệ và những khó khăn trong việc quản lý vĩ mô. Với giá trị giao dịch tăng mạnh và được duy trì trong tháng 3, tâm lý NĐT tháng 4 được dự báo tương đối ổn định, tạo điều kiện cho thị trường bước vào giai đoạn tích lũy.

Khi tâm lý NĐT ổn định, phân tích kỹ thuật sẽ hỗ trợ tốt hơn trong các quyết định đầu tư. Sau đây là nhận định thị trường tháng 4 dựa trên ba hướng tiếp cận chính: phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích dựa trên tâm lý NĐT.

Phân tích cơ bản:

Với công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 25/3, giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8% trong tháng 4, chính sách tiền tệ tháng 4 được dự báo sẽ không có nhiều biến động. NHNN đang áp dụng các biện pháp hành chính nhằm kiểm soát lãi suất cho vay trong giới hạn nhất định (lãi suất cho vay trung bình hiện nay từ 15% đến 18%).

Đồng thời, với việc phát hành trái phiếu với lãi suất trên 12%/năm thời gian gần đây, NHNN để ngỏ khả năng cho phép các ngân hàng tăng lãi suất huy động. Nếu lãi suất cho vay tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tăng lãi suất huy động được đánh giá là phù hợp với điều kiện hiện nay và đóng vai trò nâng cao tính thanh khoản của thị trường vốn.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 được công bố ở mức 0,75% (quý I: 4,12%), cao hơn nhiều so với trung bình của 5 năm trở lại đây, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với lo ngại của các chuyên gia kinh tế. Nếu không có những biến động lớn từ thị trường thế giới về giá nguyên liệu, lạm phát trong các quý còn lại ít có khả năng xảy ra đột biến.

Trong trường hợp thị trường diễn biến như năm 2009, trung bình lạm phát hàng tháng sẽ ở mức 0,5%, tương đương với lạm phát năm 2010 vào khoảng 9 - 10%. Chúng tôi nhận định, lạm phát sẽ không còn là nhân tố chi phối thị trường tháng 4 và thời gian còn lại của quý II.

Trong quý I, tăng trưởng tín dụng tương đối thấp do chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ của NHNN. Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng quý I đạt mức trung bình 1 - 1,5%, nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các ngân hàng.

Những động thái của NHNN gần đây cho thấy, chưa có chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới, nhưng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục bị kiểm soát để tránh tăng trưởng "nóng", đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Mục tiêu của NHNN được khẳng định, vẫn giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 25% trong năm 2010. Chúng tôi dự đoán, tăng trưởng tín dụng trung bình trong tháng 4 có thể đạt xấp xỉ 2%, tức là tăng trưởng nhẹ so với 3 tháng đầu năm.

Mức tăng này dù không có khả năng tạo đột biến về cung tiền cho thị trường, nhưng sẽ là bước đệm quan trọng cho việc nới lỏng hơn mức tăng trưởng tín dụng trong những tháng sau.

Về tỷ giá, sau những điều chỉnh về tỷ giá USD/VND trong tháng 2, cung - cầu trên thị trường đã ít nhiều cân bằng trở lại, mặc dù vẫn chưa đáp ứng được toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp và cá nhân.

Mức nhập siêu trong quý I sẽ tạo thêm áp lực trong cán cân thanh toán, nhưng có thể chưa đủ lớn để ảnh hưởng đến thị trường. Chúng tôi nhận định, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định trong tháng 4 và có thể trong toàn bộ quý II.

Trong tháng 4, với tình hình vĩ mô và các chính sách tiền tệ có xu hướng ổn định, yếu tố doanh nghiệp sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường. Báo cáo tài chính quý I được công bố sẽ kiểm chứng lại những lo ngại của NĐT về tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp năm 2010.

Chúng tôi cho rằng, báo cáo tài chính quý I sẽ không có nhiều đột biến và khó có khả năng hỗ trợ tổng thể thị trường. Tuy nhiên, một vài nhóm ngành có khả năng gây bất ngờ như hàng tiêu dùng (do mức tiêu dùng tăng cao dịp Tết và tăng giá bán lẻ) hoặc sản xuất, nguyên vật liệu (doanh nghiệp với lượng hàng tồn kho lớn, giá rẻ như ngành thép, cao su…).

Do đó, trong tháng 4, mức độ phân hóa ngành sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, sau khi thị trường bỏ qua nhiều tin tức doanh nghiệp quan trọng trong quý I, vì những quan ngại từ nền kinh tế vĩ mô. Đây là nhân tố chủ chốt có thể hỗ trợ tính thanh khoản của thị trường, sau khi kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định và chính sách tiền tệ vẫn được kiểm soát ở mức thận trọng.

Tương quan với các thị trường khác trong khu vực, chỉ số P/E dự tính năm 2010 của TTCK Việt Nam đầu tháng 3 ở mức tương đối hấp dẫn, thấp hơn 20% so với chỉ số trung bình khu vực (MSCI Asia Pac ex-Japan).

Đồng thời, trong tháng 3, khi các thị trường trong khu vực tăng trưởng trung bình khoảng 5%, VN-Index và HNX-Index hầu như không tăng điểm. Đây có thể là điểm đáng chú ý trong chiến lược phân bổ tài sản của NĐT nước ngoài, khi những e ngại về nền kinh tế trong nước giảm bớt. Khi các yếu tố vĩ mô đang dần ổn định, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài có khả năng sẽ quay trở lại Việt Nam, hướng đến mức tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Phân tích dựa trên tâm lý NĐT

Tâm lý NĐT tháng 3 diễn biến tương đối phức tạp. Sự hưng phấn của NĐT sau khi thị trường khởi sắc đầu tháng 3, VN-Index vượt ngưỡng 530 điểm và thanh khoản được cải thiện dần bị thay thế bằng tâm lý e dè, sau khi các thông tin kinh tế vĩ mô được công bố và thị trường điều chỉnh trở lại ngưỡng gần 500 điểm.

Việc NĐT tích cực bắt đáy ở mức VN-Index 500 - 510 điểm ngay cả khi các thông tin vĩ mô được công bố và thị trường trong xu hướng giảm điểm chứng tỏ tâm lý bi quan của 2 tháng đầu năm đang dần được thay thế bằng xu hướng tích cực hơn.

Cũng trong tháng 3, mặc dù thị trường nhìn chung trong xu hướng điều chỉnh giảm, nhưng nhiều mã cổ phiếu hoặc nhóm ngành có xu hướng đi ngược lại diễn biến thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu có thông tin hấp dẫn (chia tách hoặc/và trả cổ tức bằng tiền mặt), cổ phiếu có tin đồn lợi nhuận đột biến… Điều này chứng tỏ tâm lý lướt sóng ngắn hạn vẫn được duy trì. Chúng tôi nhận định, tâm lý NĐT tháng 4 sẽ có những đặc điểm sau:

(i) Với các thông tin vĩ mô tháng 4 được dự đoán không có nhiều biến động, tâm lý NĐT tiếp tục thận trọng, nhưng không quá bi quan. Nếu không có các yếu tố hỗ trợ mạnh và tâm lý này được duy trì, thị trường tháng 4 có khả năng sẽ dao động với biên độ hẹp theo xu hướng đi ngang - thị trường rơi vào thời kỳ tích lũy.

(ii) Trong tháng 4, khi hàng loạt doanh nghiệp tiến hành ĐHCĐ và công bố thông tin về kết quả kinh doanh quý I, xu hướng lướt sóng sẽ tiếp tục diễn ra và hỗ trợ thanh khoản thị trường.

Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường tổng thể đi ngang, tâm lý chốt lời có khả năng ảnh hưởng tới biên độ giao dịch của những mã cổ phiếu hấp dẫn NĐT ngắn hạn. Do đó, NĐT nên thận trọng với các mã cổ phiếu có diễn biến giá bất thường, tránh tâm lý "bầy đàn", nhằm hạn chế rủi ro khi giá cổ phiếu điều chỉnh.

(iii) Tương tự như trong tháng 3, tâm lý NĐT toàn cầu nhìn chung vẫn chưa ổn định, mặc dù thị trường nhiều khu vực đã có những phiên tăng trưởng mạnh và diễn biến tích cực hơn. Với tình hình hiện nay, kinh tế thế giới, nhất là châu Âu, khó có thể hồi phục ngay trong tháng 4, nên tâm lý NĐT trong nước cũng không có nhiều cơ hội được hỗ trợ mạnh từ thị trường thế giới. Nếu thị trường thế giới duy trì biên độ dao động hẹp, TTCK trong nước sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.

Khác với tháng 3, chúng tôi nhận định tâm lý NĐT không chi phối mạnh thị trường trong tháng 4, nên mức độ biến động của thị trường cũng giảm đi đáng kể. Thị trường dần đi vào giai đoạn ổn định và tâm lý lạc quan trong trung và dài hạn sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản tại khu vực VN-Index 500 - 520 điểm.

Phân tích kỹ thuật:

Các nỗ lực tăng giá nửa đầu tháng 3 vừa qua vẫn không đủ giúp cho chỉ số chứng khoán vượt qua các mốc kháng cự chính và chỉ số tiếp tục dao động giảm dần cùng với khối lượng giao dịch, nhưng vẫn duy trì trong vùng bao giá Bollinger Bands (BB).

Một số nhà phân tích kỹ thuật cho rằng, VN-Index đang nỗ lực hình thành mô hình tăng giá "Cốc và tay cầm", khi chỉ số này bật lên từ ngưỡng kháng cự 510 điểm vào ngày 17/3. Tuy nhiên, do khối lượng giao dịch suy giảm, chỉ số Money Flow Index vẫn yếu, nên khả năng dao động không rõ xu hướng của thị trường vẫn còn kéo dài.

Nhưng RSI ngắn hạn đang đi vào vùng quá bán, đồng thời VN-Index và HNX-Index đang tiệm cận dải giá dưới của BB, nên có khả năng thị trường sẽ có sự phục hồi nhẹ kể từ vùng giá hiện nay, với sự hỗ trợ của các tin tức về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như các tín hiệu tổng hợp từ thị trường. Nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán sẽ hồi phục nhẹ trở lại, ở dải giá trên của BB.

Theo phân tích kỹ thuật, dự báo VN-Index sẽ dao động trong vùng 495 - 535 điểm và HNX-Index dao động trong vùng 160 - 180 điểm trong tháng 4.

Nhìn chung, TTCK tháng 4 nhiều khả năng tiếp tục đi ngang, giao dịch trong biên độ hẹp. Mức 500 - 520 điểm của VN-Index sẽ tương đối bền vững, với điều kiện kinh tế vĩ mô không có nhiều biến động. Tin tức từ phía doanh nghiệp sẽ chi phối mạnh thị trường.

Chúng tôi khuyến nghị, đây là thời điểm tốt để mua vào, nhất là các mã cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2010 và 2011. Do thị trường khó có khả năng tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn, các hoạt động lướt sóng, cũng như sử dụng đòn bẩy tài chính đều tiềm ẩn rủi ro cao.

05/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Chiến lược công ty trong thời kỳ lạm phát
      Tên miền cấp 3 mới – “biển chỉ đường” cho doanh nghiệp
      VCCI đẩy mạnh hỗ trợ hội viên
      Hỗ trợ hàng Việt “phủ sóng”
      Cắt đường truyền Internet: Sai luật?
      Electrolux – Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới
      Ngành dịch vụ du lịch Côn Đảo: Tăng trưởng mạnh trong năm 2010