Welcome
Indra K.Nooyi - Nữ doanh nhân quyền lực nhất
Không lọt vào top những người giàu nhất thế giới mà tạp chí Forbes vừa công bố trung tuần tháng 3 vừa qua, nhưng Indra K. Nooyi lại có điểm hơn tất cả họ: Bà là nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới.
Trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2006 đến năm 2009, Indra K.Nooyi liên tục được tạp chí uy tín dành cho doanh nhân - Fortune, bình chọn là Nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới. Tạp chí Forbes còn xếp bà đứng đầu trong top nữ doanh nhân được trả lương cao nhất: 12,7 triệu USD/năm.
 
Nhiều người cho rằng điều đó là bình thường, khi Indra K.Nooyi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc điều hành của “ông lớn” PepsiCo. Nhưng, không nhiều người biết được để có một vị trí như thế, người phụ nữ gốc Ấn Độ này ngoài quá trình phấn đấu để vươn lên còn có  tài năng xuất chúng.
 
Cô nữ sinh năng động
 
Indra K. Nooyi sinh năm 1955 tại thành phố Madras, Ấn Độ, trong một gia đình trung lưu. Thời gian khi Indra trưởng thành, xã hội Ấn Độ vẫn chưa chấp nhận những cô gái trẻ năng động. Tuy thế, cô lại là mẫu người năng động, tham gia vào hầu hết các đội cricket nữ.
 
Thậm chí Indra còn chơi guitar trong nhóm rock nữ khi học tại trường dòng Madras. Sau khi nhận chứng chỉ về hóa, lý và toán tại trường dòng Madras, cô trở thành thành viên Viện Quản lý ở Calcutta. Đây là một trong 2 cơ sở ở Ấn Độ đào tạo, cấp bằng MBA.
 

 
Nhận bằng MBA, Indra vào làm việc tại chi nhánh hãng dệt may Tootal của Anh (được thành lập năm 1799) ở Ấn Độ. Sau đó, cô chuyển sang làm quản lý về hàng hóa của hãng Johnson & Johnson tại Bombay (nay là Mumbai). Đây là cơ hội để Indra tích lũy kinh nghiệm trong thương mại và thôi thúc trong cô niềm đam mê với kinh doanh.
 
Năm 1978, Indra quyết định sang Mỹ học chuyên ngành thương mại tại Đại học Yale ở thành phố New Haven, bang Connecticut. Sau này trả lời phỏng vấn báo Financial Times,  Indra nói: Đây quả là điều chưa từng có với một cô gái Ấn Độ còn mang nặng tính bảo thủ, chưa chồng như tôi. Phía sau quyết định logic của tôi là cả một cá tính mạnh, thiên về lý trí.

Indra nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Tuy nhận học bổng của Đại học Yale, nhưng cô vẫn phải đi làm thêm vào buổi tối để sống. Cô nói: Mùa hè tôi đi làm thêm mà vẫn phải mặc sari (trang phục của phụ nữ Hindu) vì tôi không có tiền để mua quần áo. Ngay cả khi Indra đến phỏng vấn xin việc tại một công ty tư vấn tầm cỡ, cô vẫn phải mặc bộ sari, chứ không phải trang phục công sở.

Vừa học vừa làm, năm 1980 Indra tốt nghiệp Đại học Yale và có tấm bằng thạc sĩ quản lý trong lĩnh vực công và tư nhân rồi vào làm việc tại tập đoàn tư vấn Boston, Mỹ. Trong vòng 6 năm, Indra làm việc trong nhiều tập đoàn quốc tế với các chiến lược khác nhau. Đến năm 1986, nữ doanh nhân này chuyển sang hãng Motorola với vị trí trưởng tư vấn.
 
Sau 4 năm tại đây - năm 1990, Indra chuyển sang Asea Brown Boveri Inc (ABB) trong vai trò giám đốc điều hành chiến lược. ABB khi đó là hãng liên doanh Thụy Sĩ - Thụy Điển có tổng vốn 6 tỉ USD, sản xuất hàng công nghiệp và có nhiều nhà máy lớn trên thế giới.
 
Indra tài ba đã giúp ABB định hướng phát triển tại Bắc Mỹ. Thành công của cô với ABB thu hút sự quan tâm của Jack Welch - Tổng giám đốc điều hành hãng General Electric. Năm 1994, Jack Welch ngỏ lời mời Indra K.Nooyi làm việc, nhưng đúng lúc đó Wayne Calloway, Giám đốc điều hành PepsiCo cũng đưa ra lời mời tương tự.
 
Sau này trả lời tuần báo Business Week, Indra nói: Jack và Wayne rất biết nhau, nhưng Wayne đã đưa ra lời mời có gì đó rất hấp dẫn. Wayne nói: “Jack Welch là nhà lãnh đạo giỏi mà tôi biết… Nhưng tôi cần một người như cô, tôi đã dành cho cô một vị trí đặc biệt tại PepsiCo”.

Nhà quản trị tài ba

Tại PepsiCo, Indra là giám đốc quản trị, bà thúc đẩy tập đoàn này phải cải cách thương hiệu, cơ cấu lại hệ thống tài chính và đưa ra những quyết định quan trọng có tác động sâu rộng đối với tập đoàn này. Bà cũng là nhà thương thuyết để ký kết các hợp đồng quan trọng. Tập đoàn quyết định phát triển các quầy hàng tại các nhà hàng, như năm 1997 thành lập KFC, Pizza Hut, Taco Bell.
 
Indra cũng phân tích tốt các động thái của Coca Cola để làm rõ nguyên nhân vì sao đối thủ này có được lợi nhuận ấn tượng như thế. Pepsi học theo cách thức của đối thủ và năm 1999 lần đầu tiên cổ phiếu phổ thông được định giá 2,3 tỉ USD và tất nhiên hãng chiếm thị phần lớn trong đó.

Tại PepsiCo, Indra thực hiện các hợp đồng theo hai hướng chiến lược cực kỳ quan trọng là vừa sản xuất nước uống, vừa sản xuất đồ ăn. Vào năm 1998, bà ký hợp đồng trị giá 3,3 tỉ USD để mua lại thương hiệu sản xuất nước quả ép Tropicana. 3 năm sau đó, bà cùng ê-kíp của mình ký hợp đồng mua lại hãng Quaker Oats với giá 14 tỉ USD. Đây là một trong những hợp đồng lớn nhất của tập đoàn để sau đó cho ra đời hàng loạt các sản phẩm đồ ăn, thức uống mới của PepsiCo. Bà còn giúp đỡ để thực hiện thành công việc mua lại nhà sản xuất nước uống SoBe với giá 337 triệu USD.

Nhờ tài năng ấn tượng nên Indra K.Nooyi được đề cử chức Giám đốc tài chính của PepsiCo vào tháng 2.2000. Điều này giúp bà trở thành người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên có ảnh hưởng nhất trong số các tập đoàn lớn của Mỹ. Một năm sau đó, bà tiếp quản chiếc ghế chủ tịch HĐQT của vị tiền nhiệm và cũng là bạn của bà - ông Steven Reinemund, người rất thành công trong vai trò giám đốc điều hành và chủ tịch HĐQT. Steven Reinemund rất quý Indra và nói rằng sở dĩ ông đảm nhiệm vị trí này chỉ vì có bà trong HĐQT của tập đoàn.

Trong cương vị mới, từ tháng 5.2001, Indra luôn ý thức rằng, phải liên tục giữ nhịp độ tăng trưởng cao cho tập đoàn với phương châm: “Trong bất kỳ lúc nào chúng tôi cũng luôn đáp ứng đồ ăn, thức uống cho bạn”. Các đồ ăn thức uống từ Mountain Dew, Rice-a-Roni, Captain Crunch đến Gatorade liên tục đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, tập đoàn còn tung ra cả loại nước đóng chai mới Aquafina hay bánh snack Doritos.

02/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Hàng Việt Nam tìm đường vào nhà hàng khách sạn
      Tạo “thương hiệu nguồn nhân lực” để giữ nhân viên
      Thương nhân Trung Quốc đổ xô tới Vietfish mua thuỷ hải sản
      Đồng loạt đình công vì không được uống nhiều bia!
      Hiện tại, theo công ty Chứng khoán Dầu khí, ROA trung bình nhóm ngành này là 5,26% và ROE trung bình là 14,3%.
      Giá dược phẩm 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều biến động
      Standard Chartered: Việt Nam nên cẩn trọng với tái lạm phát