Welcome
Ngành thép nội địa: Đối đầu không cân sức
Từ tháng 3 đến nay hầu hết các doanh nghiệp và đại lý thép đều tăng giá bán. thép Tăng giá nhưng khả năng doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao là hết sức khó khăn do công nghệ sản xuất và khả năng cạnh tranh ngành thép rất hạn chế. Phát triển ngành thép nước ta được ví như “xây nhà từ nóc”.

Đua nhau tăng giá

Tuần đầu tiên sau khi tăng giá điện (từ 1-3), thép Hòa Phát đã thực hiện 2 đợt tăng giá: lần đầu tăng thêm 200.000 đồng/tấn, lần sau thêm 300.000 đồng/tấn. Các doanh nghiệp khác như Việt Ý, Vạn Lợi… cũng điều chỉnh tăng giá trong khoảng 400.000-600.000 đồng/tấn. Trung tuần tháng 3, giá bán thép xây dựng tại nhà máy (chưa trừ chiết khấu và thuế VAT) phổ biến ở mức từ 12-12,8 triệu đồng/tấn, tăng 600.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu năm.

Hôm qua 24-3, hầu hết các đại lý phân phối thông báo đến các nhà thầu giá thép tăng lên 14,6 triệu đồng/tấn thép cuộn và 14,7 triệu đồng/tấn thép cây. Việc tăng giá được các doanh nghiệp lý giải: Ngành công nghiệp thép trong nước đang phụ thuộc phần lớn vào thị trường thế giới.

Dù phôi sản xuất trong nước chiếm 60% tổng lượng cho sản xuất thép (40% phôi phải nhập khẩu) nhưng nguyên liệu cho sản xuất phôi là thép phế liệu vẫn phải nhập khẩu tới 70%. Chính vì thế, khi giá thép phế liệu, phôi và thép thành phẩm trên thế giới tăng đã kéo giá thép trong nước tăng theo.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá nguyên liệu trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng tăng thêm 30-40% vào cuối tháng 4 tới. Cụ thể, giá phôi thép thế giới chào bán vào nước ta thời điểm này tiếp tục tăng thêm 10-20USD/tấn so với đầu tháng 3, giữ mức 525-535USD/tấn đối với nguồn cung đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, 550-560USD/tấn đối với nguồn từ Malaysia, Thái Lan…

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), trong tuần từ ngày 8 đến 12-3, giá thép phế liệu Thổ Nhĩ Kỳ sắp chạm mức 400USD/tấn; giá phôi Biển Đen trên 500USD/tấn. Cũng trong tuần này, giá thép tại Trung Quốc đã tăng tuần đầu tiên kể từ sau Tết Âm lịch. Thép xây dựng đạt trung bình 3.710-3.730NDT/tấn (tương đương 543,6USD/tấn) tại Thượng Hải, tăng 2,5% so với tuần trước đó.

Bên cạnh việc tăng giá do nguyên liệu đầu vào tăng, việc tăng giá thép còn bắt nguồn từ giá điện và xăng tăng, tỷ giá thay đổi. Theo ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), chi phí đầu vào của các doanh nghiệp thép đang tăng mạnh, đó là việc điều chỉnh tỷ giá cuối năm 2009 đã làm tăng thêm 350.000 đồng/tấn, tăng giá xăng dầu và điện làm chi phí đội thêm 100.000 đồng/tấn, cộng lại yếu tố trong nước làm tăng chi phí thêm hơn 400.000 đồng/tấn.

Loay hoay thừa, thiếu

Hiện nay, với hơn 30 dự án sản xuất thép trong nước và sự xuất hiện của các tập đoàn thép lớn trên thế giới ở nước ta đã khiến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng quyết liệt, nhất là trong bối cảnh cung lớn hơn cầu. Theo tính toán của Bộ Công Thương, năm nay nhu cầu thép thành phẩm cả nước dự kiến đạt khoảng 10-11 triệu tấn; năm 2015 khoảng 15-16 triệu tấn; năm 2020 khoảng 20-21 triệu tấn và năm 2025 khoảng 24-25 triệu tấn. Thế nhưng, nếu các dự án được cấp phép thời gian qua đi vào sản xuất, tới năm 2015 công suất của toàn ngành thép có thể lên tới 28 triệu tấn. Như vậy từ năm 2015 thị trường thép nước ta cung sẽ lớn hơn cầu, số thép dư thừa phải tìm đường xuất khẩu.

Thế nhưng có nghịch lý là từ nay đến năm 2015 ngành thép sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về các chủng loại thép trong nền kinh tế. Vì thế, ngày 11-3, VNSteel đã ký hợp đồng chuyển nhượng 20% cổ phần từ VNSteel cho Tập đoàn Danieli (chuyên cung cấp thiết bị cho nhà máy thép) trong dự án Nhà máy Cán thép tấm nóng đầu tiên tại Việt Nam, công suất 2 triệu tấn/năm, dự kiến cuối năm triển khai xây dựng.

Việc đầu tư liên doanh hơn 550 triệu USD trên cơ sở chìa khóa trao tay sẽ bao gồm các công nghệ hiện đại nhất đang có hiện nay trong ngành công nghiệp sản xuất thép. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ đáp ứng một phần nhu cầu hiện tại khoảng 8 triệu tấn/năm cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, tập đoàn sản xuất thép lớn nhất thế giới Posco của Hàn Quốc có nhiều khả năng sẽ thực hiện dự án trị giá 200 triệu USD mở rộng nhà máy thép tại Việt Nam, sau khi đàm phán mua lại Công ty Thép Thainox Stainless của Thái Lan. Theo ông Suh Youngsea, Phó chủ tịch Posco, Đông Nam Á là thị trường chiến lược của Posco, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với nhu cầu dự tính tăng 9,2%/năm. Vì thế, Posco dự tính tăng công suất nhà máy tại Việt Nam mà công ty đã mua lại năm ngoái lên 85.000 tấn/năm.



Năm 2009, ngành thép là một trong những ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất: sản xuất tăng 25% và tiêu thụ tăng 30% so với năm 2008. Đạt được điều này do Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% lên 8%, thép thành phẩm từ 12% lên 15%, thép cán nguội từ 7% lên 8%…

Quan trọng hơn, gói kích cầu của Chính phủ tập trung phần lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng đã làm nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm nay những lợi thế trên sẽ không còn, ngành thép sẽ khó có được lợi nhuận cao.

Tiết giảm chi phí, nâng cao công nghệ

Theo nhận định của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, năm 2010, dù tình hình kinh tế thế giới có chuyển biến thuận lợi hơn nhưng ngành thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá nguyên liệu cơ bản như quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế liệu, điện năng... tăng.

Năm nay một số sản phẩm thép theo lộ trình WTO sẽ không còn được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc một số nhà máy thép mới đi vào sản xuất cũng làm cho sự mất cân đối giữa nguồn cung và cầu, khiến cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Để tăng khả năng cạnh tranh, VSA khuyến cáo các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí, thay đổi công nghệ, củng cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ… Các doanh nghiệp sản xuất thép, phôi thép, nhất là các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, cần có phương án đổi mới công nghệ, để giảm giá thành sản phẩm.

Trước đây, khi chưa tính những chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, thép nội đã phải đương đầu với thép nhập ngoại giá rẻ, nhất là thép cuộn. Nay giá thành cao hơn, sự cạnh tranh sẽ càng khốc liệt, đặc biệt là nguy cơ bị cạnh tranh bởi thép nhập khẩu từ các nước ASEAN có thuế suất nhập khẩu bằng 0% và thép Trung Quốc có giá thành rẻ hơn thép nội khoảng 500.000 đồng/tấn.

Theo ông Đậu Văn Hùng, một trong những giải pháp quan trọng của VNSteel năm nay là tăng cường công tác dự báo, nghiên cứu, phân tích thị trường thép thế giới và trong nước. Lấy đó làm cơ sở để chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh, tồn kho hợp lý nhằm giảm chi phí tài chính.

Mặt khác, VNSteel cũng tăng cường công tác marketing, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu; tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giảm sức ép trên thị trường nội địa. VNSteel cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kích cầu nội địa tạo điều kiện cho thị trường thép hoạt động sôi động thông qua biện pháp giải ngân cho các công trình; ổn định tỷ giá USD và cung ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ với mục đích nhập khẩu nguyên liệu vật tư để sản xuất.

Trước sức ép từ hàng nhập ngoại, VSA cho rằng cần có hàng rào kỹ thuật và ban hành các chính sách để bảo vệ hàng sản xuất trong nước nhằm ngăn chặn các chủng loại thép kém chất lượng bán phá giá, làm mất thị phần các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Các biện pháp trên nếu thực hiện sớm sẽ ngăn chặn được tình trạng nhập khẩu ồ ạt thép kém chất lượng vào nước ta, bảo hộ được sản xuất trong nước.

VSA cho rằng giá điện chiếm 10% trong tổng chi phí đầu vào của thép, vì vậy khi giá điện tăng buộc ngành thép phải tăng giá thép 10%. Điều này không hợp lý, bởi giá điện đối với khu vực sản xuất chỉ điều chỉnh tăng 6,8%. Và việc tăng 6,8% trong tổng số 10% của đầu vào sản xuất không thể dẫn đến việc tăng giá đầu ra 10%.

Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Việc đầu tư nhà máy cán thép nóng đã được đưa vào quy hoạch ngành thép Việt Nam từ lâu. Tuy nhiên đến nay chưa có dự án lớn nào được đầu tư, ngoại trừ một dự án rất nhỏ tại Hải Phòng. Vì vậy, dự án thép cán nóng 2 triệu tấn/năm sẽ đóng góp quan trọng cho quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu về thép tấm của nền kinh tế, thay cho nhập khẩu.

Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương

26/03/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh
      Chuẩn bị hàng tết, giá nhiều loại thực phẩm tăng
      Xây dựng giá trị của thương hiệu thông qua dịch vụ chăm sóc khách hàng
      Doanh nghiệp nhỏ “đã hết lo khủng hoảng tài chính”
      Phong thủy cho website
      BP vẫn là mục tiêu của làn sóng giận dữ
      BĐS nghỉ dưỡng: “Đĩa vàng đựng rau muống luộc”?