Welcome
France Telecom – Orange: Niềm tự hào nước Pháp
Ra đời năm 1990 trên cơ sở tư nhân hóa Cục Viễn thông thuộc Bộ Bưu chính và Viễn thông Pháp, France Télécom đã trở thành hãng viễn thông lớn nhất nước Pháp và lớn thứ 3 châu Âu với 200 triệu thuê bao.
Thực ra, France Telecom có lịch sử khá lâu đời nhưng trước năm 1988 hầu như mọi người chỉ biết đến Cục Viễn thông thuộc Bộ Bưu chính và Viễn thông Pháp. Năm 1990, France Telecom chính thức tách ra và hoạt động độc lập.
 
Ngày 1/1/1998, France Telecom được chính quyền của Thủ tướng Lionel Jospin cho phép tư nhân hóa nhưng nhà nước vẫn giữ lại 27% cổ phần của hãng cho đến nay. Kể từ đó thương hiệu France Telecom bắt đầu được biết đến trên phạm vi toàn thế giới.

Từ khi chính thức được “cởi trói”, France Telecom đã nhanh chóng phát triển và vươn rộng xuất hiện trên hầu hết các thị trường chính của thế giới với đủ các vai trò từ nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư công nghệ… dưới cả 2 thương hiệu đều nổi tiếng như nhau là France Telecom (FT) và Orange (thương hiệu chuyên về lĩnh vực viễn thông di động). Tháng 8/2005, France Telecom mua lại 77% cổ phần của Amena - hãng di động Tây Ban Nha và đổi tên thành Orange Espana (Orange Tây Ban Nha).

 
Tháng 11/2007, France Telecom tiếp tục tham gia đấu thầu để mua lại 51% cổ phần trong hãng viễn thông Telkom của chính phủ Kenya. Liên tục thâu tóm nhưng cũng có không ít lần France Telecom đành phải chịu thất bại mà điển hình nhất là hồi tháng 6/2008 họ đành phải hủy bỏ kế hoạch mua lại hãng viễn thông Thụy Điển TeliaSonera sau khi cả 2 bên không thể thỏa thuận những điều khoản chi tiết.
 
Hiện tại, một thương vụ nữa của France Telecom là sáp nhập giữa T-Mobile và Orange tại Pháp cũng đang bị “treo” bởi còn phải chờ sự chấp thuận của các nhà quản lý châu Âu. Thương vụ này lẽ ra đã hoàn thành từ ngày 8/9/2009 nhưng với việc 2 hãng sáp nhập với nhau sẽ chiếm tới 37% thị phần khiến các nhà quản lý lo ngại sẽ hình thành một liên minh độc quyền, lũng đoạn thị trường.

Đa lĩnh vực

France Telecom hiện đang cung cấp khá nhiều dịch vụ khác nhau thuộc 4 lĩnh vực chính:

- Điện thoại cố định chủ yếu tại các thị trường Pháp và Ba Lan.

- Internet băng thông rộng

- Viễn thông di động

- IPTV, chủ yếu tại thị trường Pháp và Tây Ban Nha với thương hiệu Orange TV.

Để dễ dàng và tăng cường hoạt động phát triển thương hiệu trước bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, trong những năm gần đây, France Telecom đang bắt đầu quá trình sáp nhập một số bộ phận khác nhau và kinh doanh dưới thương hiệu Orange.

Tại thị trường Mỹ, France Telecom cũng đã xuất hiện nhưng mới chỉ tập trung cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm Innovacom và 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), một ở thành phố Boston và một ở Nam San Francisco (California). Được chính phủ New Zealand “bật đèn xanh”, hiện France Telecom cũng đang cung cấp dịch vụ viễn thông tại thủ đô Wellington và toàn bộ lãnh thổ New Zealand.

Tuy bị chỉ trích vì hạ tầng mạng dịch vụ “kém phát triển” tại Pháp nhưng France Telecom cũng lại chính là một trong những hãng viễn thông nổi tiếng với mạng backbone có tên OpenTransit bao phủ toàn bộ lãnh thổ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong và vòng trở về Pháp.
 
Ngoài ra, France Telecom còn sở hữu GlobeCast – nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn vệ tinh lớn nhất thế giới phục vụ cho các hoạt động phát thanh, truyền hình chuyên nghiệp, cung cấp nội dung trực tuyến và công cụ đa phương tiện cho môi trường doanh nghiệp. Globecast World TV, một trong những đài truyền hình lớn nhất thế giới cũng chính là một bộ phận thuộc GlobeCast.
 
Năm 2004, France Telecom đã bị Ủy ban về cạnh tranh của liên minh châu Âu (EC) cáo buộc là đã nhận tiền hỗ trợ của chính phủ Pháp nhằm gia tăng nguồn lực và sức cạnh tranh trên thị trường. Sau 18 tháng điều tra, France Telecom đã bị EC buộc phải trả lại cho Chính phủ Pháp 1 tỷ euro mà họ đã nhận trái luật. Sau đó, cả France Telecom và chính phủ Pháp đều đã gửi đơn khiếu nại nhưng không thể thay đổi được quyết định này.

Chất lượng dịch vụ bị chê tơi bời

Tuy là một hãng viễn thông danh tiếng nhưng điều khiến không ít người ngạc nhiên là France Telecom vẫn còn duy trì một lượng lớn hạ tầng mạng, đường truyền dẫn là dây cáp treo trên cột thay vì những đường cáp ngầm như nhiều hãng viễn thông châu Âu khác.

Bên cạnh một hạ tầng “lạc hậu”, France Telecom còn bị giới kinh doanh viễn thông và người tiêu dùng “chê” là quá “hà tiện trong việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng” dẫn đến chất lượng và sự ổn định của dịch vụ rất thấp. Tại một số vùng ở nước Pháp, mạng dịch vụ của France Telecom thường bị “sập” tới vài lần mỗi năm.
 
Các lãnh đạo của France Telecom cho biết họ vẫn liên tục theo đuổi chương trình nâng cấp hệ thống đường truyền dẫn bằng việc thay thế mạng cáp trên cao bằng những đường cáp quang chôn ngầm. Nhưng các chương trình thay thế cáp này của France Telecom cũng “liên tục” sai hẹn và có tiến độ rất ì ạch. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân mạng dịch vụ viễn thông của France Telecom tại một số thị trường có chất lượng thấp nhất và có tỷ lệ “nhiễu” cao nhất châu Âu.
 
France Telecom cũng cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng có tên Livebox (tên của một thiết bị kết hợp giữa modem và Wi-Fi router) với khoảng 7 triệu thuê bao. Tuy nhiên, Livebox cũng là một trong những dịch vụ bị khách hàng kêu ca nhiều nhất của France Telecom bởi nó thường xuyên bắt buộc khách hàng phải “can thiệp một cách thủ công” mới có thể hoạt động chính xác.
 
Tỷ lệ phàn nàn về thiết bị và dịch vụ này của France Telecom đặc biệt cao trong nhóm khách hàng sử dụng máy tính Mac của hãng Apple. Theo những khách hàng nhóm này, Livebox thường xuyên “chết ngỏm” mặc dù họ đã rất nhiều lần gọi điện yêu cầu France Telecom trợ giúp và điều chỉnh kỹ thuật.

Không chỉ “rớt lên, rớt xuống”, dịch vụ băng thông rộng này của France Telecom còn bị phàn nàn rằng tốc độ luôn luôn thấp hơn so với mức mà nhà cung cấp quảng cáo. Tại những vùng nông thôn, nơi cách xa các điểm trao đổi tín hiệu, tốc độ tối đa vào giờ cao điểm thậm chí chỉ tương đương với tốc độ của đường truyền Internet qua giao thức dial-up với modem 56K cổ lỗ sỹ.

Chao đảo vì nạn… tự tử

Tháng 10/2009, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn France Telecom Louis-Pierre Wenes đã phải từ chức sau khi không thể tìm ra giải pháp giải quyết vấn nạn nhân viên tự tử trong hãng. Với ít nhất 34 vụ tự tử trong vòng 18 tháng với các lý do mà nạn nhân để lại là không thể chịu đựng được stress và sức ép từ công việc, France Telecom trở thành nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất nước Pháp (15,3 vụ mỗi năm, so với mức trung bình là 14,7 vụ).

Vấn nạn tự tử của nhân viên France Telecom không chỉ khiến các lãnh đạo hãng phải đau đầu mà còn gây ra những sự chấn động trong chính quyền Pháp, khiến Tổng thống Nicolas Sakozy phải ra tay can thiệp và Bộ trưởng Bộ Lao động Xavier Darcos yêu cầu Tổng Giám đốc Didier Lombard phải trực tiếp làm việc với đại diện của công đoàn công nhân nhằm tìm ra cách giải quyết vấn đề.

Số vụ tự tử không ngừng gia tăng tại France Telecom còn châm ngòi cho vô số những cuộc tranh luận về môi trường làm việc và phong cách quản lý nhân sự của các doanh nghiệp Pháp. Mặc dù vẫn đang có chế độ làm việc 35 giờ mỗi tuần và một kỳ nghỉ hè dài cả tháng nhưng tỷ lệ tự tử của người lao động Pháp vẫn đứng ở mức cao thứ 3 trong số 8 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (sau Nga và Nhật Bản). “Lối quản lý xa rời nhân viên, văn hóa giao tiếp “không có tình người” đã tạo ra những sự bất hòa ngay trong nội bộ các nhân viên với nhau và biến môi trường doanh nghiệp thành một “địa ngục”… chính là nguyên nhân vì sao nạn tự tử của nhân viên France Telecom không hề thuyên giảm trong thời gian qua”, Patrick Legeron, chuyên gia tâm lý của Stimulus – một công ty chuyên tư vấn về các vấn đề nhân sự ở Paris nói.

“Ở Pháp nói chung và ở France Telecom nói riêng, người ta thường chỉ chú ý đến việc người lãnh đạo có bằng cấp phù hợp hay không chứ không chú ý nhiều đến việc họ có kỹ năng quản lý nhân viên hay không”, Legeron, người đã đứng tên trong bản báo cáo gửi về Bộ Lao động Pháp nhằm đề xuất những giải pháp giảm stress trong môi trường làm việc, viết, “Các giám đốc người Pháp luôn đẩy tất cả những gì liên quan đến mối quan hệ con người, mối quan hệ nhân viên xuống hàng thứ 2”.

Tại France Telecom, theo ý kiến của người lao động và các tổ chức nghiên cứu, sự kết hợp giữa sức ép cạnh tranh toàn cầu và những quy định về bảo vệ việc làm của Pháp đã hình thành nên một thứ văn hóa “méo mó”. Nhiều nhân viên đáng ra có thể bị sa thải một hành động tốt hơn cho cả 2  lại bị buộc phải giữ lại và bị đối xử như những “vật” vô tri, vô giác. Theo ước tính, hiện tại có đến 2/3 trong tổng số 103.000 nhân viên của France Telecom tại Pháp thuộc thành phần “không thể sa thải” bởi họ được coi là những người đang làm việc vì phúc lợi cộng đồng và xã hội.

“France Telecom thường sa thải nhân viên bằng cách khuyến khích họ tự do ra đi, tự xin nghỉ hưu hoặc “mua chuộc” họ tự nguyện xin giảm lương… nhưng hiện nay họ không thể làm theo cách đó được nữa”, Bill Stewart, giáo sư ngành quản trị của trường đại học quản trị kinh doanh Lyon nói, “các giám đốc của France Telecom phải chịu sức ép giảm số lượng nhân viên nhưng họ lại không được phép áp dụng các biện pháp sa thải và hậu quả là nạn tự tử đã nổ ra”.

Sự thất bại của các chương trình “tái cấu trúc lại France Telecom” đã buộc vị Phó Tổng Giám đốc Louis-Pierre Wenes phải từ chức theo lời kêu gọi của tổ chức công đoàn. Stephane Richard, người đã từng là chánh văn phòng Bộ Tài chính Pháp được bổ nhiệm thay thế và dự định sẽ tiếp tục thay ông Lombard giữ chức Tổng Giám đốc vào năm 2011. Nhưng rồi cũng chính từ vấn nạn tự tử này, France Telecom đã buộc phải để ông Lombard ra đi sớm hơn dự kiến, tức vào khoảng giữa năm 2010 này.

Ngoài việc khiến cả 2 vị lãnh đạo cao nhất phải từ chức sớm, nạn tự tử của nhân viên France Telecom còn đẩy chính phủ Pháp trở thành đối tượng phải hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề. Theo Elie Cohen, chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học cho rằng: “Chính phủ Pháp đang hành động một cách “điên rồ”. Một mặt, họ buộc France Telecom phải hoạt động như những công ty tư nhân đích thực trong một môi trường hoàn toàn tự do cạnh tranh nhưng mặt khác họ lại không cho phép ông Lombard quản lý nhân viên theo kiểu của thị trường tự do cạnh tranh”.

Một số ý kiến khác lại cho rằng vấn nạn tự tử của nhân viên France Telecom bắt nguồn từ việc họ không được trang bị những kiến thức cần thiết ngay từ trong trường đại học. “Họ được dạy cách thể hiện năng lực ở mức tối đa nhưng lại không được dạy cách đối xử với stress hay áp lực của công việc. Điều này dẫn đến tình trạng có tới 27% người lao động Pháp có các vấn đề về sức khỏe tâm thần và cần có sự can thiệp của bác sỹ”, Emmanuel Charlot, một chuyên gia tâm lý đồng thời là Giám đốc marketing của công ty Psya ở Paris phát biểu.

Tuy vậy, các nỗ lực tìm kiếm giải pháp tại France Telecom vẫn liên tục bế tắc bởi riêng tại hãng này đang tồn tại tới 6 tổ chức công đoàn khác nhau. Theo luật của Pháp, chỉ cần 11 người lao động trở nên là họ có quyền thành lập một tổ chức công đoàn.

Orange – Niềm tự hào của France Telecom

Ra đời ngày 28/4/1994, Orange là công ty con của France Telecom nhưng đồng thời cũng là một thương hiệu đáng tự hào của hãng viễn thông Pháp. Orange là thương hiệu mà France Telecom chỉ sử dụng trong các lĩnh vực viễn thông di động và một phần nhỏ là nhà cung cấp dịch vụ Internet. Tính đến hết năm 2009, Orange là nhà điều hành mạng viễn thông lớn thứ 5 trên thế giới với khoảng 189 triệu thuê bao.

Thực ra, Orange không phải là một thương hiệu do France Telecom khai sinh mà vốn là một công ty con của hãng viễn thông Hutchinson Telecom chi nhánh tại Anh. Khi còn ở với Hutchinson, Orange không mấy thành công nhưng kể từ khi về với France Telecom từ tháng 8/2000, thương hiệu này “nổi nhanh như diều gặp gió”. Ban đầu Orange chỉ kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông di động nhưng năm 2006, France Telecom cải tổ bộ phận cung cấp dịch vụ Internet có tên là Wanadoo, sáp nhập vào Orange.

Có một chi tiết thú vị là năm 2001, France Telecom đã quyết định IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) 15% số cổ phần của Orange nhưng chỉ 2 năm sau tức năm 2003 cũng chính France Telecom đã mua lại toàn bộ số cổ phiếu này và sở hữu toàn bộ 100% Orange cho đến nay.

Hiện nay, Orange là thương hiệu cho hầu hết các dịch vụ của France Telecom nên riêng số khách hàng của Orange đã chiếm tới hơn 2/3 tổng số khách hàng hiện tại của France Telecom và mang về nguồn doanh thu chiếm khoảng 50% tổng doanh thu trên mọi lĩnh vực của tập đoàn.

 
Không chỉ là nhà mạng viễn thông lớn thứ 5 trên thế giới, Orange còn là nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lớn nhất châu Âu với sự hiện diện tại các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Kenya, Guinea xích đạo, Senegal, Guinea, Romania, Slovakia và Thụy Sỹ, Ba Lan… Bắt đầu từ năm 2006, Orange tại Slovakia bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet cáp quang FTTH.

Năm 2008, Orange trở thành nhà mạng di động đầu tiên của châu Âu được độc quyền phân phối mẫu di động cảm ứng iPhone tại các 10 thị trường châu Âu như Áo, Bỉ, Cộng hòa Dominica, Ai Cập, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Sỹ… và toàn bộ các thị trường châu Phi mà Orange đang hoạt động.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2009, CityDisc, shop chuyên kinh doanh nội dung đa phương tiện của France Telecom tại Thụy Sỹ được chuyển đổi mô hình và trở thành Orange CityDisc, cửa hàng đầu tiên của châu Âu hoạt động theo mô hình kép: Vừa bán điện thoại di động vừa bán phụ kiện và cả nội dung cho di động như âm nhạc, phim ảnh, video và trò chơi.

Orange cũng bị “đánh”

Việc Orange là ISP lớn nhất châu Âu không đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm, dịch vụ của họ là tốt nhất và được lòng khách hàng nhất.

Ngày 21/7/2007, Watchdog một sêri chương trình truyền hình “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” do đài truyền hình BBC thực hiện nhằm thăm dò ý kiến khách hàng Anh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, Orange đã được nhận “danh hiệu” ISP tồi nhất nước Anh.
 
68% số khách hàng được khảo sát đã cho biết họ rất khó chịu với các dịch vụ chăm sóc khách hàng của Orange và cho rằng đó là nhà mạng kém tin cậy nhất trên toàn châu Âu. Không chỉ là ISP có tỷ lệ khách hàng “bất mãn” nhất châu Âu, 2/3 số khách hàng của Orange thời kỳ đó cho biết, họ còn “khốn khổ” ngay cả khi hủy dịch vụ Internet băng rộng của Orange.

Đó quả thực là những con số “đáng báo động” đối với Orange nói riêng và France Telecom nói chung. Để nhanh chóng lấy lại hình ảnh của mình, ngay trong giai đoạn tháng 3/2009 đến tháng 4/2009, Orange tại Anh đã quyết định nâng cấp mạng di động 3G lên công nghệ 3,5G đồng thời cũng mở rộng vùng phủ sóng.

Tuy vậy, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Anh vẫn có hẳn một trang web với địa chỉ OrangeProblems.co.uk để tập trung phản ánh về sự nghèo nàn trong chất lượng dịch vụ Internet băng rộng của Orange. Dù đã thay đổi công nghệ và mở rộng vùng phủ sóng nhưng một số tình trạng như thất lạc email, ‘rớt’ mạng, nghẽn mạng, thu thập trộm thông tin của khách hàng vẫn thường tái diễn và khiến Orange tiếp tục phải hứng chịu những lời chỉ trích.

18/03/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Phát triển thương hiệu trong thời kỳ suy thoái kinh tế
      Đến lượt mì gói bị nghi chứa DEHP
      Hầu hết Marketer đang nghiêng về các nội dung xây dựng thương hiệu
      Người Việt xài tiền : Mừng ít, lo nhiều
      Lần theo dấu vết các quảng cáo
      TP.HCM thanh tra hàng loạt dự án sân golf
      Những người đi tìm thương hiệu cho cây “dó trầm”