Welcome
Pháp luật "tiếp tay" đô la hóa
Tìm hiểu pháp luật về quản lý ngoại hối, chúng tôi phát hiện: Lâu nay, chính quy định của pháp luật về vấn đề này đã tiếp tay cho tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Gửi gì được rút nấy

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần tâm sự với phóng viên: “Gia đình tôi đã 10 năm nay, mỗi khi có nguồn tiền thu về từ kinh doanh hay bán bất động sản, tôi đều chọn cách chuyển sang USD để gửi, bởi việc găm giữ USD là giải pháp an toàn nhất so với vàng hoặc tiền đồng, nhất là trong thời điểm lạm phát tăng cao...” .

Còn chị Thanh, một cán bộ công chức công khai thừa nhận: “Từ lâu tôi chỉ giữ hai thứ là đô la Mỹ và vàng. Tôi lúc nào cũng có sẵn khoảng 5 số điện thoại, chỉ cần gọi điện là sẽ có người mang USD đến bán ngay”. Hỏi nếu lãi suất tiền gửi USD xuống thấp hơn so với gửi VND, chị sẽ gửi tiền gì? Chị khẳng định vẫn chọn giữ USD.

Trưởng một phòng giao dịch tại Hà Nội của Ngân hàng BIDV cho hay:  Tại phòng giao dịch này, hiện có khá đông khách hàng chọn gửi USD thay vì VND.

“Ngay cả cuối năm 2007, khi lãi suất tiền đồng được đẩy lên tới ngưỡng 19%/năm, trong khi lãi suất huy động USD chỉ vài phần trăm, họ vẫn chọn gửi USD. Tâm lý này những tháng qua không thay đổi. Đa số đều chọn chuyển từ VND sang USD hoặc vàng. Lý do chủ yếu vẫn bởi người dân e ngại biến động của tỷ giá”- Vị này cho biết.

Khách hàng rút ngoại tệ tại ngân hàng. (Ảnh: Hồng Vĩnh)

Lâu nay, khá nhiều người đã chọn cách mua USD để gửi ngân hàng. Bởi thực tế, theo họ, đó là cách lựa chọn an toàn và thông minh. Gửi USD không chỉ vì so sánh thiệt hơn về lãi suất, mà vì độ an toàn cao, bởi khi gửi loại tiền gì được ngân hàng cho rút bằng tiền đó.

Theo một số chuyên gia, ở đây các ngân hàng vô hình trung đã tiếp tay cho tình trạng đô la hóa của nền kinh tế. Hỏi giám đốc một ngân hàng, ông cho biết: Việc các ngân hàng cho phép khách hàng gửi tiền gì được rút tiền đó không có gì sai, bởi chính tại khoản 2, điều 24 Pháp lệnh ngoại hối qui định rõ: “Người cư trú là công dân VN được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng, được rút tiền gốc và nhận tiền lãi bằng ngoại tệ tiền mặt”.

“Chính quy định trên là một trong những nguyên nhân làm giá tăng tình trạng đô la hóa nền kinh tế tại Việt Nam, đồng thời phần nào khuyến khích người dân cất giữ USD”- Vị chuyên gia trên bình luận.

Ông phân tích, nếu buộc người gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, khi rút phải quy đổi để nhận VND thì sẽ không xảy ra chuyện người dân chạy đôn đáo đi mua ngoại tệ ở chợ đen để gửi tiết kiệm, cũng không xảy ra chuyện khan hiếm ngoại tệ ở các ngân hàng như cuối năm 2009.

Sửa pháp lệnh ngoại hối

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhớ lại: Ngày xưa, thời lâu lắm rồi, có quy định gửi ngoại tệ buộc phải rút ra bằng tiền đồng.

“Khi đó tồn tại song song cả tỷ giá kết toán nội bộ và tỷ giá quy đổi thanh toán và tỷ giá cho khách hàng bao giờ cũng cao hơn nhằm khuyến khích. Đúng là việc quay trở lại quy định cho phép gửi và rút bằng ngoại tệ cũng tạo ảnh hưởng tới thực tế đôla hóa”. Nhưng có một cái khó, theo bà Hà, nếu không, chúng ta sẽ không khuyến khích được kiều hối?

Cũng chính quy định trên dẫn tới nhà nhà mua, găm giữ đô la, ngay cả các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp cũng săn đô la, hoặc nếu có họ cũng không muốn bán cho ngân hàng.

"Trong điều kiện tỷ giá USD/VND tăng lên, hiện tượng di chuyển từ tiền gửi VND sang tài sản ngoại tệ sẽ xảy ra và gây cản trở cho hoạt động của các NHTM và hệ thống doanh nghiệp bởi tình trạng mất cân đối bảng cân đối tài sản của hệ thống NHTM." - TS Tô Kim Ngọc - Học viện Ngân hàng

Nói về nguyên nhân giữ USD khi có nguồn thu ngoại tệ, ông Dương Chí Kiên, giám đốc một Cty xuất khẩu mỹ nghệ lý giải: Cty chúng tôi ngoài xuất khẩu mỹ nghệ còn song song cả nhập khẩu thiết bị y tế. Thay vì trông vào ngân hàng, chúng tôi phải tự cân đối nên phải giữ USD đề phòng.

Có nên sửa Pháp lệnh ngoại hối, theo hướng quy định gửi ngoại tệ phải rút bằng nội tệ? Theo bà Trâm, cán bộ lâu năm trong lĩnh vực ngoại hối từng bôn ba cả NH quốc doanh lẫn cổ phần phân tích: Đây là điều cơ quan quản lý và các nhà làm luật nên nghiên cứu, bởi nó có thể sẽ giảm dần được tỷ lệ đô la hóa. 

Mâu thuẫn?

Một mặt Pháp lệnh ngoại hối (được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 13-12-2005 và có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2006) cho phép người gửi ngoại tệ được rút bằng ngoại tệ, mặt khác cũng chính pháp lệnh “Nghiêm cấm triệt để các giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ giữa các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam; hạn chế đến chấm dứt việc các tổ chức được bán hàng, cung cấp dịch vụ thu ngoại tệ tại Việt Nam”.

Lãnh đạo một chi nhánh Viettinbank phân tích: “Thực ra việc người dân gửi USD vào ngân hàng và ngân hàng cho người dân rút ra bằng USD cũng là một giao dịch, thanh toán. Bởi thế, trong trường hợp này, những quy định trên trong Pháp lệnh ngoại hối là mâu thuẫn, đá nhau.

Cũng theo cán bộ trên, việc cho phép người dân gửi gì rút nấy là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự hỗn loạn, khó kiểm soát thị trường ngoại tệ.

Trong cơn lốc chạy đua mở các chi nhánh, phòng giao dịch, đa số hợp đồng thuê mặt bằng của các ngân hàng với tổ chức hoặc người dân đều được tính bằng giá USD, thậm chí thay vì chuyển khoản sang VND theo tỷ giá, nhiều ngân hàng dễ chấp thuận yêu cầu khi gia chủ đòi trả bằng ngoại tệ.  

17/03/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Tạo ấn tượng khi thiết kế thương hiệu
      5 cách để tối ưu hoá tác dụng của các kênh bán hàng trực tuyến cho các sản phẩm cao cấp
      Việt Nam: từ chiếc bánh xèo quê đến giải Fields danh giá
      Hội nhập... đúng giờ
      Mức độ tin tưởng của các DNVVN toàn cầu gia tăng
      Tạo ra những cái nhìn mới từ các mẫu quảng cáo
      Áp lực trước xu hướng cộng tác