Welcome
Đăng ký thương hiệu ở nước ngoài theo cách nào?
Để tránh tình trạng cac thương hiệu Việt bị chiếm dụng ở nước ngoài, các doanh nghiệp nên đăng ký thương hiệu ở nước ngoài...

Để tránh tình trạng này, các doanh nghiệp nên đăng ký thương hiệu ở nước ngoài, ngay cả khi mới manh nha ý định. Đăng ký thương hiệu ở nước ngoài là chiến lược thâm nhập thị trường của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần làm gì để bắt đầu chiến lược đó?

Thương hiệu được ví như “linh hồn” của doanh nghiệp mà bất cứ doanh nghiệp nào đánh mất hoặc bị cướp mất linh hồn, doanh nghiệp đó coi như mất “mạng”. Những cái tên như bánh phòng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên, Petro
Vietnam, hay Vinataba... bị chiếm dụng ở nước ngoài không chỉ những người sở hữu những cái tên đó lo lắng mà cả những doanh nghiệp khác cũng phải giựt mình vì không biết lúc nào đến lượt mình.

Mất “linh hồn”, doanh nghiệp “mất mạng”

Giám đốc cơ sở kẹo dừa Bến Tre đã phải sang tận Trung Quốc đòi thương hiệu vì bị một đối tác “chơi khăm”. Trung Nguyên, thương hiệu mới nổi tiếng vài năm gần đây cũng bị đối tác “chơi xấu” và những nhà lãnh đạo Trung Nguyên mất mấy năm đi kiện ở Mỹ. Vinataba, thương hiệu thuốc lá có tiếng ở Việt Nam, bị nặng hơn vì có đến 12 nước chiếm dụng thương hiệu này và chỉ mới có một nước chịu trả lại cho Vinataba.

Ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc nghĩ đến việc đăng ký thương hiệu ở nước ngoài, vì hội nhập là cơ hội chiếm dụng tài sản của nhau kể cả những đối tác làm ăn lâu năm cũng có thể trở thành “đối thủ” của doanh nghiệp.

Năm 2006 là cái mốc của những cơ hội chiếm dụng thương hiệu đối với doanh nghiệp vì đây là năm Việt
Nam tham gia hoàn toàn AFTA và sắp bước vào WTO. Việc “ăn cắp” thương hiệu ở nước ngoài không giới hạn ở hành vi của các đối thủ, đơn vị kinh doanh mà cả những cá nhân, nhất là những người am hiểu pháp luật nhằm “kiếm chác” trong thời kỳ hội nhập của những quốc gia còn “chân ướt chân ráo” như Việt Nam.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay mới có khoảng 1.000 thương hiệu Việt Nam được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài so với hàng trăm ngàn thương hiệu được sinh ra ở Việt Nam. Quả là quá ít để tạo hành lang an toàn cho chính doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế quốc gia.

Ông Hùng cho rằng mất thương hiệu ở nước ngoài không chỉ đơn thuần doanh nghiệp mất đi tài sản vô hình mà cả nền kinh tế quốc gia cũng bị mất đi giá trị thương mại. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa vào hơn 50% từ giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu mạnh khi giá trị uy tín và thương hiệu được khẳng định.

Theo công ước Madrid hay Cộng đồng châu Âu?

Ông Hùng khẳng định: “Mất thương hiệu tức là chúng ta sẽ bị mất đi giá trị rất lớn từ xuất khẩu. Những năm tiếp theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục trông chờ vào giá trị xuất khẩu nếu xuất khẩu không tăng trưởng thì nền kinh tế khó phát triển như mong muốn”. Ngoài ra mất thương hiệu hay nhãn hiệu, nguy cơ bị làm hàng nhái sẽ tăng cao nhất là thông qua các cửa khẩu biên giới.

Ông Nguyễn Thành Long, Luật sư của Pham & Associates, cho biết đăng ký thương hiệu hay nhãn hiệu ở nước ngoài tương đối thuận lợi cho doanh nghiệp và thương hiệu hay nhãn hiệu được bảo hộ chặt chẽ trong thời gian dài, 10 năm.

Có ba cách doanh nghiệp đăng ký bảo hộ: đăng ký trực tiếp, theo nhóm quốc gia, cộng đồng hoặc theo công ước quốc tế Madrid.

Nếu muốn bảo hộ ở một nước, doanh nghiệp trực tiếp hoặc nhờ đại diện thương mại của mình ở quốc gia đó đăng ký hộ. Với hình thức này, thương hiệu hay nhãn hiệu chỉ được bảo hộ trên phạm vi quốc gia đó trong khi nếu đăng ký theo nhóm như cộng đồng châu Âu hoặc theo công ước quốc tế thì việc bảo hộ có phạm vi rộng hơn.

Việt Nam là thành viên của công ước quốc tế Madrid, công ước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và theo nguyên tắc, quyền bảo hộ được áp dụng cho 54 nước thành viên mà không cần phải đăng ký ở tất cả các quốc gia tham gia công ước.

Doanh nghiệp có thể thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để được giúp đỡ đăng ký thương hiệu hoặc nhãn hiệu theo nhóm hoặc theo Công ước Madrid. Doanh nghiệp không nhất thiết phải áp dụng cùng lúc ba cách đăng ký mà nên linh hoạt sử dụng nhằm tạo hiệu quả kinh tế cao nhất đồng thời đảm bảo mục tiêu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, theo luật sư Long, việc đăng ký theo nhóm không tuân thủ nguyên  tắc như Công ước Madrid, ngược lại tính thống nhất chung lại quan trọng hơn sự đồng ý của từng quốc gia riêng lẻ.

Ví dụ như đăng ký thương hiệu hay nhãn hiệu tại cộng đồng châu Âu theo hệ thống CTM (Community Trade Mark) với 25 nước thành viên, nếu một trong 25 nước không chấp nhận bảo hộ thì thương hiệu hay nhãn hiệu đó không được độc quyền sử dụng ở các nước thành viên còn lại.

Những điều cần biết khi đăng ký ở Mỹ

Mỹ là quốc gia ít tham gia các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và không là thành viên của Manrid vì vậy các doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu và nhãn hiệu ở đây phải sử dụng hình thức đăng ký trực tiếp.

Nhãn hiệu Cofidec của Việt Nam đang nộp đơn xin bảo hộ ở Mỹ nhưng nhãn hiệu này đã bị phản đối bởi một công ty có mặt hàng tương tự vì nhãn hiệu sử dụng một hình ảnh tương tự của công ty Mỹ đã được bảo hộ, đó là hình thoi biểu trưng của công ty Mỹ mặc dù nội dung bên trong hình thoi hoàn toàn khác nhau không gì nhầm lẫn.

Đây là một trong những trường hợp bị phản đối và theo ông Long của Pham & Associates việc nhãn hiệu Việt Nam bị phản đối ở Mỹ không phải là hiếm vì phần nhiều doanh nghiệp không am hiểu qui định đăng ký.

Bên cạnh việc không am hiểu, doanh nghiệp dễ bị đối tác “lừa” chiếm đoạt thương hiệu hoặc nhãn hiệu ở nước ngoài, nhất là khi thực hiện các hợp đồng đại lý.

Từ đó, theo ông Long, khi đăng ký thương hiệu hay nhãn hiệu ở Mỹ, các doanh nghiệp cần chú ý đến những vấn đề đến nguyên tắc bảo hộ ở Mỹ: doanh nghiệp đăng ký trước được ưu tiên bảo hộ, doanh nghiệp sử dụng thương hiệu hay nhãn hiệu trước cũng được ưu tiên hơn những doanh nghiệp khác. Các trường hợp nhãn hiệu Việt Nam bị đăng ký ở nước ngoài đòi lại được là nhờ chứng minh thương hiệu hay nhãn hiệu đã được sử dụng trước.

TBKTVN
06/02/2009
  CÁC TIN KHÁC
      Tỷ giá, lãi suất - hai mối lo của doanh nghiệp Việt Nam
      Cẩn trọng vi phạm hợp đồng
      ức sáng tạo Việt qua sản phẩm mới: Sẽ ưu tiên cho sản phẩm mới
      Bất bình gian lận dâu tây, khoai tây Đà Lạt
      Ôm sản xuất, phân phối để người khác lo
      Tăng giá đi kèm khuyến mãi
      Từ ngách hẹp ra đường lớn